Thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu của dự án GIC

Cập nhật ngày: 20/12/2024 15:56:02

ĐTO - Ngày 20/12, Ban Quản lý Dự án (DA) các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Ban Quản lý DA GIC tỉnh Đồng Tháp) tổ chức hội nghị tổng kết các hoạt động DA GIC trên địa bàn Đồng Tháp năm 2024 và triển khai một số nội dung của DA “Sáng kiến tài trợ rủi ro do khí hậu cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ.


Đại biểu dự hội nghị

Theo Ban Quản lý DA GIC tỉnh Đồng Tháp, năm 2024 đã thực hiện đạt 100% khối lượng công việc. Cụ thể, đào tạo giảng viên nguồn (ToT) về kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị lúa gạo 11 giảng viên; quản lý tài chính gia đình (FBS nâng cao) 8 giảng viên; xây dựng năng lực kinh doanh cho các hợp tác xã (HTX) lúa gạo 5 giảng viên; tổ chức 20 lớp tập huấn quản lý rơm rạ với 600 học viên tham gia; tổ chức 10 lớp nâng cao năng lực HTX với 300 học viên thuộc 51 HTX tham gia; tổ chức 15 lớp tập huấn kinh doanh cho nông dân với 450 học viên tham gia; 30 lớp tập huấn quản lý tài chính gia đình (FBS nâng cao) với 900 học viên tham gia…

Theo đánh giá của Ban Quản lý DA, sự hỗ trợ kinh phí và đạo tạo giảng viên nguồn (ToT) từ GIZ, giúp giảng viên có đủ kiến thức, kỹ năng giảng dạy cho nông dân, HTX tham gia dự án GIC. Nông dân tham gia các lớp học rất tích cực thảo luận, thực hành theo hướng dẫn của giảng viên. Qua đó, giúp nông dân, HTX quản lý tốt tài chính, thu gom rơm, tái sử dụng rơm hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

DA sáng kiến tài trợ rủi ro do khí hậu cho ngành nông nghiệp (dự án ACRF-VN) triển khai thực hiện tại Hà Nội, Sơn La; 4 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang. DA này giúp nông dân có khả năng chống chịu tốt hơn và ít chịu rủi ro liên quan đến khí hậu nhờ việc tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ tài trợ rủi ro do khí hậu. DA có 2 mục tiêu cụ thể: xây dựng mô hình, quy trình, sản phẩm dịch vụ tài chính hỗ trợ rủi ro do khí hậu; nâng cao kiến thức về tài chính hỗ trợ rủi ro do khí hậu của các tổ chức thuộc khu vực công, tư và các tác nhân trong chuỗi.

Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Dự án GIC tỉnh Đồng Tháp, đánh giá cao tinh thần hợp tác của nông dân, các HTX tham gia DA, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ, kiến thức đã được tập huấn để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Kinh nghiệm từ các mô hình đã triển khai, các HTX cần chia sẻ, nhân rộng trong cộng đồng, góp phần thực hiện nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nhất là thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”…

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn