Thuốc lá lậu: Cuộc chiến chưa có hồi kết!
Cập nhật ngày: 23/12/2019 10:20:16
ĐTO - Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, kể từ khi có Chỉ thị 30/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu, các địa phương và các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các mặt công tác và bước đầu kiềm chế, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá.
Thuốc lá lậu len lỏi biên giới, ngụy trang tinh vi vào Việt Nam
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá có dấu hiệu chìm lắng. Hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra ngang nhiên, thách thức pháp luật ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới Tây nam, nhất là các địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, TP.HCM... Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới khoảng 400.000 - 500.000 bao các loại. Thuốc lá lậu được các đối tượng tập kết ở các kho hàng sát biên giới, chờ thời cơ thuận lợi, sau đó dùng phương tiện xuồng máy hoặc thuê người vác, vận chuyển băng qua đường biên giới. Sau khi vào nội địa, các “đầu nậu” dùng rất nhiều chiêu thức để vận chuyển.
Trong quá trình hoạt động, thuốc lá lậu được ngụy trang cất giấu rất tinh vi, các đường dây vận chuyển được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, đặc biệt là luôn có người theo dõi các lực lượng chức năng 24/24 giờ... Thuốc lá lậu thường được các đối tượng vận chuyển vào ban đêm và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để né tránh lực lượng chức năng. Điều đáng nói, hiện nay các “đầu nậu” không chỉ thuê người dân mà còn “chọn” thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy... vận chuyển thuốc lá nhập lậu nên khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng này thường rất manh động, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ để tẩu tán tang vật.
Thuốc lá lậu: hậu quả to lớn, tác hại không lường
Theo phản ánh của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, giai đoạn 2013-2018, ngành thuốc lá chịu nhiều thách thức từ thuốc lá nhập lậu và bình quân tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lên đến trên 700 triệu bao mỗi năm, có năm chiếm tới 25% thị trường. Tuy nhiên, lượng bắt giữ còn rất hạn chế so với tình hình thực tế. Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, từ ngày 1/10/2014 - 10/2019 các lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ, xử lý 52.375 vụ; tịch thu hơn 39 triệu bao; khởi tố hình sự hơn 917 vụ và trên 1.150 đối tượng.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2019, Tây Ninh bắt giữ 629 vụ, tịch thu 540.635 bao; Long An bắt giữ 895 vụ, thu giữ 1.569.974 bao; TP.HCM bắt giữ 1.036 vụ, thu giữ 732.543 bao; Cần Thơ bắt giữ 541, thu giữ 182.482 bao; An Giang bắt giữ 613, thu giữ 573.175 bao; Đồng Tháp bắt giữ 635, thu giữ 302.173 bao...
Buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, gây mất trật tự xã hội mà thuốc lá nhập lậu còn gây hiểm họa khôn lường đối với người sử dụng vì chất lượng không được một cơ quan nào kiểm soát. Thuốc lá nhập lậu không tuân thủ bất kỳ quy định nào của pháp luật Việt Nam, không in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, không ghi rõ nơi sản xuất, ngày tháng, năm sản xuất và thời hạn sử dụng, không dán tem thuốc lá, không thực hiện quy định về công bố chất lượng, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và lộ trình giảm Tar và Nicotin, do đó không kiểm soát được chất lượng khi tiêu thụ trên thị trường.
Hiện nay, bên cạnh các yếu tố như lực lượng mỏng, chế tài nhẹ... các địa phương đều phản ánh gặp khó khăn trong việc xử lý thuốc lá điếu nhập lậu tịch thu được là một trong những yếu tố làm hạn chế việc đấu tranh bắt giữ thuốc lá nhập lậu, từ đó ảnh hưởng tới công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng. Từ ngày 26/4/2018 đến nay, số thuốc lá nhập lậu được tịch thu trên cả nước là gần 10 triệu bao, tuy nhiên việc xử lý thuốc lá nhập lậu lại gặp nhiều khó khăn do vướng mắc, hạn chế của Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhất là công tác giám định, đánh giá mặt hàng này tiêu hủy hay đấu giá vẫn chưa có cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Minh Trung - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Tháp cho biết: Trước đây tiêu hủy hết thì được hỗ trợ kinh phí theo Thông tư 19 của Bộ Tài chính, còn hiện nay thực hiện theo Quyết định của Chính phủ lại phải xác định thuốc lá nào đảm bảo chất lượng thì tái xuất, còn không thì mới tiêu hủy... Tuy nhiên, hiện nay lại chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng nên rất khó khăn trong việc xử lý.
Để có hồi kết, cần hiệu quả và quyết liệt
Liên quan đến những bất cập về xử lý thuốc lá lậu. Ngay cả khi bắt giữ thành công, các lực lượng chức năng vẫn gặp không ít khó khăn về công tác xử lý như: Theo quy định của Bộ luật Hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá ngoại nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thực tế, các lực lượng chức năng đã bắt nhiều vụ từ 1.500 bao trở lên nhưng không bắt được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Đối với các trường hợp này, cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ án theo quy định, tuy nhiên do không xác định được đối tượng nên sau khi hết thời hạn điều tra phải ra quyết định tạm chỉ điều tra vụ án, dẫn đến số vụ việc tạm đình chỉ tăng cao.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đang bàn giải pháp để các lực lượng chức năng sớm xử lý lượng thuốc lá nhập lậu trong thời gian vừa qua, đảm bảo yêu cầu xử lý được đối tượng, xử lý được tang vật đảm bảo ngăn chặn được tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới rất phức tạp. Văn phòng Thường trực sẽ làm việc với các Bộ, ngành để xác định cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng để các địa phương phối hợp thực hiện.
Ngoài ra, các địa phương kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục cho tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, tránh việc tái xuất gây thẩm lậu ngược vào thị trường, bên cạnh đó cần có cơ chế hỗ trợ các lực lượng tham gia chống buôn lậu và tăng cường chế tài xử phạt tạo tính răn đe đối với tội phạm.
Mỹ Nhân