Tiếp tục cải thiện Chỉ số PCI vì sự thịnh vượng của doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 14/08/2019 09:36:42
ĐTO - Năm 2018, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp đạt 70,19 điểm, xếp thứ 2 (tăng 1 bậc) trên cả nước. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình để xác lập thành tích mới. Liên tiếp 11 năm nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước.
Đồng Tháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - sản xuất - kinh doanh vì sự phát triển của doanh nghiệp
Nhận diện khó khăn để tiếp tục cải thiện chỉ số PCI
Đặc biệt, khi nghiên cứu lại toàn bộ dữ liệu khảo sát gốc từ năm 2006 đến nay cho thấy, Đồng Tháp là tỉnh duy nhất trên cả nước có mức độ cải thiện ổn định tăng dần qua các năm. Năm 2018, Đồng Tháp có 7/10 chỉ số thành phần tăng điểm, cải thiện mạnh mẽ nhất gồm: Chỉ số cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động; Chi phí không chính thức; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Một số lĩnh vực có cải thiện tương đối là Chi phí thời gian; Tiếp cận đất đai; Hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Với những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khẳng định Đồng Tháp luôn “đồng hành cùng DN”, mục đích chính của việc cải thiện môi trường đầu tư chính là vì “sự thịnh vượng của DN”.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài những kết quả tích cực đạt được thì vẫn có một số lĩnh vực còn hạn chế trong việc hoàn thiện chỉ số thành phần. Dù Chỉ số PCI Đồng Tháp năm 2018 đứng ở vị trí thứ 2 trên cả nước, tuy nhiên tổng điểm đạt được của Đồng Tháp còn cách xa so với thang điểm tuyệt đối 100 điểm. Điều này cho thấy, tỉnh vẫn còn rất nhiều dư địa để cải thiện. Ngoài ra, hiện nay, việc gia nhập thị trường của DN vẫn còn nhiều khó khăn, theo phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phần lớn DN trên cả nước gặp khó khăn trong khâu “hậu đăng ký DN” và tỉnh Đồng Tháp cũng không ngoại lệ. Có đến 13% DN “phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động”.
Bên cạnh đó, DN chưa có nhiều cơ hội trong tiếp cận thông tin để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và gặp khó khăn trong công tác đấu thầu và lĩnh vực về kê khai thuế. Ngoài ra, công tác đào tạo lao động chưa có chuyển biến, tỉ lệ người lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề/số lao động chưa qua đào tạo” chỉ đạt 2% (năm 2017 là 4%); “Tỉ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo nghề ngắn và dài hạn trên tổng số lao động” chỉ đạt được 4% và “số lao động của DN hoàn thành khóa đào tạo tại các trường dạy nghề” chỉ ở mức 42%.
Doanh nghiệp đóng góp cho chỉ số PCI
Thời gian qua, Đồng Tháp tạo được môi trường đầu tư tốt, tạo làn sóng đầu tư vào địa phương. Với kỳ vọng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ngoài sự tham mưu của các ngành hữu quan, địa phương, lãnh đạo tỉnh còn mong muốn sự đóng góp, hiến kế từ cộng đồng DN.
Theo ông Nguyễn Quốc Định - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, Đồng Tháp đạt được vị trí á quân Chỉ số PCI năm 2018 không chỉ mang lại niềm vinh hạnh cho chính quyền, người dân mà còn cho cộng đồng DN tỉnh nhà. Qua đó, đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN địa phương. Điểm sáng trong thực hiện Chỉ số PCI chính là sự năng động của chính quyền, hướng đến giảm bớt chi phí cho DN, khi Imexpharm muốn mở rộng nhà máy thì lãnh đạo tỉnh và các ngành hữu quan đã giúp đơn vị tìm vị trí phù hợp.
Để giải quyết những yếu điểm chỉ số về đào tạo lao động, nhiều DN chia sẻ khó khăn với lãnh đạo tỉnh, đồng thời đề xuất những kế sách cho địa phương. Để làm được điều đó, tỉnh cần học tập không chỉ các tỉnh bạn đạt điểm cao chỉ số này mà có thể mở rộng biên độ học tập các nước phát triển, nhằm tạo sự bứt phá.
Nhiều DN cũng cho rằng, tỉnh cần phát huy các trường, trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh trong việc kết nối với các địa phương, DN về nhu cầu nguồn lao động nhằm giải quyết được “cơn sốt” lao động hiện nay.
Sẽ khó có thể tạo nên những cú hích cho Chỉ số PCI tỉnh nhà tiếp tục phát triển nếu thiếu đi sự đồng hành của các sở, ngành, địa phương. Theo khảo sát có 68% DN cho rằng: “Có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành”; 56% DN phản ánh: “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”. Đối với vấn đề này, bà Lương Thị Hương Giang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco cho rằng, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, phát huy vai trò, sự vào cuộc của cán bộ cấp cơ sở.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương bày tỏ phấn khởi khi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà được cộng đồng DN đánh giá cao, thông qua kết quả thực hiện Chỉ số PCI. Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn còn nhiều dư địa khai thác nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư. Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, PCI là thương hiệu của Đồng Tháp, nguồn lực của địa phương, vì vậy, các sở, ngành tỉnh cần xem nâng cao chỉ số là trách nhiệm của mình. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương khẩn trương khắc phục các chỉ số giảm điểm nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN trong thời gian tới.
Tiếp tục duy trì và cải thiện môi trường đầu tư - sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu điểm số PCI năm 2019 đạt 72,70 điểm, tăng 2,51 điểm so với năm 2018 và duy trì nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” trên cả nước.
Trong đó, tập trung cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tổng điểm số PCI (dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động; tính minh bạch; chi phí không chính thức). Bên cạnh đó là cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số sụt giảm trong năm 2018 (gia nhập thị trường); duy trì và cải thiện các chỉ số tăng điểm năm 2018 (chi phí thời gian; tiếp cận đất đai; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; thiết chế pháp lý).
Theo đó, yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch này; chủ động đề xuất giải pháp đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại đơn vị phụ trách.
Y DU