Huyện Lấp Vò

Tìm đầu ra cho nông sản

Cập nhật ngày: 16/12/2015 12:41:35

Thời gian qua, UBND tỉnh và huyện Lấp Vò đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tiêu thụ rau màu ở địa phương. Tuy nhiên, để doanh nghiệp và người nông dân thực hiện được chuỗi liên kết, cần sự nỗ lực hơn nữa trong việc hài hòa lợi ích giữa các bên.


Tình trạng “được mùa, mất giá” luôn là nỗi ám ảnh đối với người nông dân

Với diện tích sản xuất rau màu hàng năm trên 5.000ha, huyện Lấp Vò là một trong những địa phương sở hữu vùng chuyên canh màu lớn của tỉnh, tập trung nhiều loại nông sản chủ lực được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Song cũng giống như nhiều địa phương khác, vấn đề tiêu thụ luôn là bài toán khó đối với ngành nông nghiệp của địa phương và nông dân, tình trạng được mùa mất giá vẫn liên tục tiếp diễn.

Thời gian qua, từ những nỗ lực trong việc thu hút doanh nghiệp về đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp chọn Lấp Vò là điểm dừng chân. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chế biến nông sản vẫn còn hoạt động ở quy mô nhỏ, nên chưa giải quyết tốt đầu ra ổn định cho nông dân. Bên cạnh đó, việc làm ăn theo nhu cầu của doanh nghiệp vẫn còn là vấn đề mới mẻ đối với người nông dân, vì vậy dù hiện nay Lấp Vò đã có một vài doanh nghiệp đến đầu tư, nhưng khâu tiêu thụ hiện vẫn không thể thiếu vai trò của thương lái.

Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công Ty TNHH Đức Thành Green Food, huyện Lấp vò cho rằng, nông dân ở địa phương cần tổ chức lại sản xuất. Chủ yếu là thực hiện phương pháp rải vụ, nhằm giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định quanh năm. Bên cạnh đó, phương pháp này sẽ giúp cho nông dân hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá” do khủng hoảng thừa và doanh nghiệp cũng không tốn nhiều chi phí trong việc bảo quản.

Bà Nguyễn Thị Quế Lan - đại diện Công ty Song Hải Long, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện doanh nghiệp đang có nhu cầu phát triển vùng chuyên canh màu theo hướng an toàn. Công ty mong muốn được hợp tác với nông dân huyện Lấp Vò để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng. Tuy nhiên, công ty cần địa phương hỗ trợ về quy hoạch vùng, người nông dân đảm bảo uy tín trong mối liên kết”.

Nhiều nông dân ở huyện Lấp Vò cũng thẳng thắn chia sẻ, nếu được doanh nghiệp bao tiêu giá cả đầu ra ổn định, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân thì về kỹ thuật sản xuất, nông dân có thể từ từ thay đổi và thích ứng. Để đáp ứng được những yêu cầu của doanh nghiệp, nhiều nông dân cũng đề nghị ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân về kinh nghiệm kỹ thuật sản xuất, cũng như tìm ra những giống hoa màu mới phù hợp với việc rải vụ.

Một số nông dân lạc quan cho rằng, hợp tác với doanh nghiệp là cần thiết nhằm giảm chi phí ở các khâu trung gian, tăng lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Song các bên cần phải nhượng bộ và hài hòa về lợi ích, cùng nhau chia sẻ rủi ro.

Trong buổi gặp gỡ và làm việc với doanh nghiệp và nông dân ở huyện Lấp Vò về vấn đề tiêu thụ màu, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, với việc xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Trong đó, điểm mấu chốt Đồng Tháp quan tâm là xây dựng hoàn thiện chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Vì vậy, vai trò của người nông dân và doanh nghiệp vô cùng quan trọng, hai nhân tố này phải cùng nhau san sẻ khó khăn và hài hòa lợi ích.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn