Tín dụng chính sách xã hội không ngừng phát triển

Cập nhật ngày: 28/08/2019 06:01:40

ĐTO - Được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, hôm qua (27/8), UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”. Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam Trần Lan Phương dự hội nghị.


Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu tại hội nghị

Theo đánh giá, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhất là từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày càng tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi (tín dụng đen) trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Qua kiểm tra đánh giá của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, những năm qua, Hội đoàn thể các cấp cùng với Ban giảm nghèo, NHCSXH thực hiện tốt công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Nếu như cuối năm 2014, toàn tỉnh có 4.137 tổ TK&VV, bình quân 42 tổ viên/tổ; dư nợ bình quân 524 triệu đồng/tổ thì đến ngày 30/6/2019 toàn tỉnh có 3.317 tổ, 47 tổ viên/tổ TK&VV, dư nợ bình quân 970 triệu đồng/tổ. Hiện có 1.912 tổ xếp loại tốt, chiếm 57,6% trên tổng số tổ; 896 tổ xếp loại khá, chiếm 27%; tổ xếp loại trung bình 410 tổ, chiếm 12,3%; tổ xếp loại yếu là 99 tổ, chiếm 2,98%. 

Nguồn vốn của NHCSXH tỉnh hiện nay là 3,232,317 triệu đồng đồng (cuối năm 2014 là 2,191,572 triệu đồng), trong đó nguồn vốn trung ương 2,901,484 triệu đồng, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương  330,833 triệu đồng. Từ cuối năm 2014 đến ngày 30/6/2019 cho 176.037 hộ vay  (cho vay hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, đi lao động ở nước ngoài, nhà ở, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,...) với tổng số 3.542.974 triệu đồng.

Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thời điểm 31/12/2014 (khi chưa có Chỉ thị số 40-CT/TW) là 52.294 triệu đồng. Đến thời điểm ngày 30/6/2019, số dư 330.833 triệu đồng, tăng 278.539 triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ chủ trương của Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tỉnh hỗ trợ ngân sách cho vay với tất cả hộ gia đình có lao động đi làm việc ở nước ngoài chi phí khám sức khỏe, học định hướng và hỗ trợ cho vay từ 80 - 90% chi phí, những trường hợp khó khăn được Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh cho vay đến 100% chi phí. 

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, đánh giá cao kết quả tín dụng chính sách của tỉnh, là minh chứng sinh động trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Tỉnh kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, quán triệt sâu sắc ở các cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp xã, khâu bình xét cho vay đúng đối tượng, tổng hợp nhu cầu vay tốt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ... góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Đặt biệt, Đồng Tháp tập trung nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương ngày càng tăng, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cho vay đi lao động ở nước ngoài có nhiều đột phá... Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam yêu cầu tỉnh quan tâm các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạ thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn, tuyên truyền người vay nâng cao nhận thức trả vốn vay đúng hạn để đảm bảo công bằng; tăng vốn cho vay bình quân; tiếp tục quan tâm đến chương trình cho vay học sinh, sinh viên...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho rằng, các cấp, ngành, xã hội cần tuyên truyền tạo cho hộ nghèo, người nghèo có niềm tin, xóa đi cảm xúc tiêu cực, bị bỏ rơi… để hòa nhập, vươn lên khi tiếp cận tín dụng chính sách xã hội. Cán bộ cần quan tâm sâu sắc đến người nghèo, trăn trở với từng hoàn cảnh nghèo khó và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, thì hộ nghèo khi có vốn mới phát huy hiệu quả. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và NHCSXH tỉnh kết hợp kêu gọi, vận động doanh nghiệp hỗ trợ người nghèo không chỉ vốn mà phải có cách làm ăn căn cơ, thay đổi suy nghĩ...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn