Toàn tỉnh đã xuống giống hơn 107 ngàn ha lúa thu đông
Cập nhật ngày: 24/08/2018 05:30:15
ĐTO - Hiện tại, toàn tỉnh Đồng Tháp đã uống giống được hơn 107 ngàn ha lúa thu đông, đạt 83,1% kế hoạch. Hầu hết các diện tích lúa đều trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, tình hình thời tiết bất lợi sẽ là điều kiện cho dịch bệnh rầy nâu, muỗi hành tấn công lúa thu đông. Gần đây, nhiều trà lúa sớm đang bước vào giai đoạn làm đòng, trổ chín bị đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, các đối tượng khác như chuột, sâu cuốn lá, bệnh vàng lá chín sớm,... tiếp tục gây hại ở mức nhẹ đến trung bình.
Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo các diện tích chuẩn bị xuống giống lúa thu đông 2018 cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, cách ly giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày, nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ và lưu tồn nguồn bệnh ảnh hưởng vụ sau. Đặc biệt theo dõi rầy di trú để xuống giống “né rầy”, tập trung theo từng ô bao, khu vực của địa phương.
Bên cạnh đó, nông dân nên áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ nhằm giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh gây hại của rầy nâu, muỗi hành, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các đối tượng dịch hại khác. Đồng thời phải kiểm tra kỹ ruộng lúa, nếu rầy cám nở rộ tuổi 1 - 3 với mật số trên 2.000 con/m2 phải xử lý bằng thuốc có tác động chống lột xác hoặc lưu dẫn nhằm hạn chế tốt mật số giai đoạn sau.
Lưu ý, nông dân có thể phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trổ lẹt xẹt và trổ đều. Không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm. Thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trang Huỳnh