TP.Hồng Ngự khai thác tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng

Cập nhật ngày: 07/01/2021 10:07:43

ĐTO - Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi, nhưng những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.Hồng Ngự luôn duy trì ở mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xác định đúng tiềm năng, lợi thế và khai thác có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ không ngừng phát triển, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Điểm nổi bật là thành phố được công nhận đạt đô thị loại III trước 7 năm, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước 2 năm, được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh trước 10 năm so với lộ trình; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 1,75 lần so với 5 năm trước.


Đô thị TP.Hồng Ngự ngày phát triển

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố duy trì phát triển, tập trung các sản phẩm, ngành nghề địa phương có lợi thế như: chế biến thực phẩm, xay xát lúa gạo, sản xuất gia công cơ khí dân dụng, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất thức ăn thủy sản... Cơ cấu sản xuất trong ngành tuy chưa có nhiều thay đổi, nhưng trong nội bộ từng lĩnh vực phân ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn hàng năm đều tăng, đạt kế hoạch đề ra (tăng bình quân 8,39%/năm, tương đương 33.304 triệu đồng/năm), năm 2020 đạt 563.593 triệu đồng (tăng 41,93% so với năm 2015, tương đương 166.521 triệu đồng). Thành phố đã tổ chức tiếp xúc, mời gọi nắm nhu cầu đầu tư, từ đó có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, thu hút thêm doanh nghiệp mới, tăng quy mô, năng lực và sức cạnh tranh của sản phẩm. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cũng được hỗ trợ, tạo thuận lợi phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, qua đó đã tăng thêm động lực cho ngành phát triển.

Hạ tầng thương mại - dịch vụ tiếp tục được quan tâm đầu tư mở rộng, hệ thống các chợ được cải tạo, nâng cấp, sắp xếp, ổn định việc kinh doanh mua bán của các hộ tiểu thương, việc phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng và đa dạng, nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị, bách hóa đã hoạt động với phong cách phục vụ văn minh, giá cả minh bạch, ổn định, ngày càng chiếm được sự tin tưởng của khách hàng, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ có mức tăng trưởng khá (tăng bình quân 11,98%/năm, tương đương 464.390 triệu đồng), ước tính năm 2020 đạt 6.198.277/6.372.248 triệu đồng (tăng 59,90% so với năm 2015, tương đương 2.321.953 triệu đồng). Hoạt động phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương cũng có nhiều chuyển biến. Đến cuối năm 2019, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt tổ chức 5 địa điểm để phát triển du lịch cộng đồng: điểm tham quan vùng nuôi cá tra tuyến Hồng Ngự (xã Bình Thạnh); điểm tham quan Làng nuôi cá bè sông Sở Thượng (phường An Lạc); điểm tham quan vườn cam (Lê Hồng Như – Tân Hội); điểm tham quan vườn cam (Trần Đắc Trường Sơn – An Bình A); điểm tham quan vùng sản xuất lúa mùa kết hợp nuôi cá tự nhiên (xã Bình Thạnh).

Thông qua công tác xúc tiến mời gọi đầu tư, thành phố đã có nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động và nhiều dự án đang triển khai, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế của thành phố như: Trường Mầm non Minh Đức, Siêu thị Co.opmart, dự án khách sạn 3 sao (Sky Hotel), dự án gia công hàng mỹ nghệ Hàng Việt; Bệnh viện quốc tế Thái Hòa Hồng Ngự; một số dự án đang điều chỉnh đầu tư và chuẩn bị đầu tư như: Khu vui chơi giải trí Ngân Khánh Hồng Ngự, Khu du lịch giải trí Riverse, Trung tâm Thương Mại Cỏ May, dự án nến xe Xinh Đại Dương,... Thành phố cũng tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư theo mục tiêu đề ra, các các dự án tiêu biểu như: Quảng trường Võ Nguyên Giáp, cầu Nguyễn Tất Thành, thảm bê tông nhựa nóng đường Nguyễn Tất Thành, hạ tầng khu dân cư Bờ Đông (giai đoạn 3)..., các dự án trường học thuộc danh mục kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2016 – 2020; thảm bê tông nhựa nóng các tuyến đường trong nội ô thành phố. Bên cạnh đó, còn có nguồn lực của cấp trên đầu tư: nâng cấp đường Quốc lộ 30 đoạn từ cầu Mương Lớn xã An Bình A đến cầu 2/9 phường An Thạnh; đường Tuần tra biên giới; đường tránh Quốc lộ 30;...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.Hồng Ngự trong thời gian tới là tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị, gắn với hạ tầng nông thôn, cải thiện diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, mang bản sắc của đô thị sông nước và vùng biên; tăng cường đầu tư các hệ thống giao thông trục kết nối và mở rộng phát triển các khu đô thị vệ tinh theo quy hoạch gắn với các địa phương trong vùng, xử lý tốt các vấn đề về ô nhiễm môi trường; TP.Hồng Ngự trở thành đầu mối trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, kinh tế của khu vực biên giới và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh, trở thành nơi dừng chân, nghỉ dưỡng và trung tâm phân phối hàng hóa trong vùng.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn