Ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao góp phần nâng tầm giá trị hoa kiểng

Cập nhật ngày: 01/02/2019 14:19:35

ĐTO - Những năm qua, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp (ƯDNNCNC) đã có nhiều hoạt động tạo sức lan tỏa trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất hoa kiểng của địa phương.


Hoa hướng dương Hà Lan của Trại ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao Tân Khánh Đông cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2019

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao

Được thành lập từ năm 2014, hoạt động chính của Trung tâm là hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước lai tạo, khảo nghiệm, trình diễn, ứng dụng, chuyển giao giống cây, con và kỹ thuật sản xuất công nghệ cao. Trong đó, nổi bật trong những năm qua là việc hợp tác, liên kết với Hà Lan, Đài Loan, Israel, Hàn Quốc... chuyển giao công nghệ sản xuất hoa trong nhà màng; lai tạo và nhân nhanh các giống hoa đẹp, lạ, giống CAT.

Tọa lạc trên tuyến đường tỉnh lộ DT848, ở ấp Đông Khánh, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, những năm qua, Trung tâm thường xuyên hợp tác, liên kết với Trung tâm Công nghệ sinh học, Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam... trên lĩnh vực hợp tác nghiên cứu. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Trung tâm còn nhận chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô hoa kiểng, các mô hình sản xuất hiệu quả trên rau, hoa... Đối với lĩnh vực hoa kiểng, thời gian qua, Trung tâm ƯDNNCNC sản xuất, kinh doanh, nhân giống hoa kiểng cấy mô công suất từ 1 - 2 triệu cây/năm, phục vụ nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh. Trung tâm còn nhận chuyển giao nhân giống cấy mô, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm luôn chú trọng việc xây dựng mô hình, huấn luyện, chuyển giao công nghệ. Trung tâm đã có những mô hình đưa chuyển giao cho nông dân áp dụng thành công. Cụ thể như xây dựng mô hình sản xuất trong nhà màng với hệ thống tưới phân và nước tự động, có thể kiểm soát sâu bệnh, gió mưa. Điểm đáng ghi nhận từ các mô hình này là khả năng cảm biến gió mưa phù hợp với thời tiết, cảm biến với nhiệt độ, tạo luồng không khí mát cho nhà màng. Nhờ đó, nông dân có thể chủ động xử lý ra hoa đúng thời điểm, cây được cách ly nên giảm được sâu bệnh, thuốc hóa học, mang lại sản phẩm chất lượng và chi phí thấp. Theo ông Nguyễn Văn Sâu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Khánh Đông, hiện có rất nhiều các hộ trồng hoa kiểng ở địa phương đầu tư nhà màng để trồng hoa cho hiệu quả cao.

Một hoạt động khác luôn được Trung tâm ƯDNNCNC chú trọng đó là tổ chức tập huấn, hội thảo, diễn đàn trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoa kiểng. Những kinh nghiệm, kiến thức từ các chương trình này đã từng bước được nông dân ứng dụng hiệu quả, giúp giảm chi phí và giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng hoa, từng bước tiếp cận thị trường hoa tại TP.HCM, Hà Nội và xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào, Trung Quốc... Anh Nguyễn Hữu Khanh - chủ vườn hoa kiểng Hữu Khanh (ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông) cho biết, nhờ tham dự các chương trình hội thảo, mô hình trình diễn do Trung tâm ƯDNNCNC tổ chức nên tôi có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề để áp dụng vào quy trình canh tác hoa kiểng của mình mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.


Nông dân đầu tư hệ thống nhà lưới canh tác hoa ở xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc

Góp phần nâng tầm giá trị hoa kiểng

Trung tâm ƯDNNCNC hiện có 3 trại trực thuộc: Trại ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao Tân Khánh Đông (Trại Tân Khánh Đông), Trại ứng dụng, thực nghiệm cây trồng An Phong, Trai thực nghiệm nông lâm nghiệp Động Cát. Chị Phạm Thị Xuân Quyên - Trưởng trại Tân Khánh Đông cho biết: “Mùa Tết năm nay, Trại Tân Khánh Đông cung ứng cho thị trường các loại hoa đồng tiền, hoa chuông, cúc pico (cúc mini)... Đặc biệt, loại hoa hướng dương hạt giống từ Hà Lan được Trại trồng thử nghiệm phát triển rất tốt, được khách hàng ưa chuộng. 2.000 giỏ hoa hướng dương của Trại sản xuất dịp này được khách hàng đặt mua hết từ trước 23 Tết...”.

Hiện nay, do thị hiếu của người tiêu dùng nên nông dân Sa Đéc đã bắt kịp xu hướng bằng cách du nhập rất nhiều loại hoa, Trung tâm ƯDNNCNC cũng không ngoại lệ. Theo ông Phạm Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm ƯDNNCNC, trong công tác thu thập, bảo tồn nguồn gen, những năm qua, Trung tâm ƯDNNCNC đã xây dựng vườn tiêu bản để thu thập các nguồn gen. Trung tâm luôn quan tâm thu thập, phục tráng các giống hoa đặc trưng của Đồng Tháp, đặc biệt là hoa hồng, sen và hoa cúc các loại. Nhờ vậy, đã góp phần làm sinh động thêm không gian muôn màu của làng hoa Sa Đéc.

Năm 2018, đơn vị đã sản xuất 5.000 cây in-vitro (nuôi cấy mô). Trung tâm ƯDNNCNC còn được biết đến là nơi nuôi cấy mô thành công các loại hoa và được nông dân trồng hoa quan tâm đặt hàng các sản phẩm: hoa đồng tiền cao, lùn (mini); tiểu la lan (hoa chuông); các loại lan Ý, lan Ý Mỹ, lan dendro, mokara, hồ điệp; hoa cúc mini (farm), cúc mâm xôi, tiger, Đài Loan; dứa diễm phúc; hoa dạ yến thảo, thạch thảo, sống đời kép, hoa khế, lưỡi phụng... Ngoài ra, Trung tâm còn đang tiến hành nghiên cứu, cấy mô một số giống hoa mới nhập nội.

Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao lần 6 tổ chức vào cuối năm 2018 thông tin, so với thời điểm cách đây 10 năm, hoa kiểng Đồng Tháp từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã từng bước cải thiện và mở rộng dần quy mô (bình quân diện tích sản xuất 0,1ha/hộ năm 2008 lên 0,22ha/hộ năm 2018); từ hình thức nhân giống thô sơ sang kỹ thuật công nghệ tiên tiến (sử dụng cây giống chiết/giâm cành sang cấy mô in-vitro)... đặc biệt là nông dân ngày nay biết ứng dụng internet vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thương hiệu.


Chăm sóc hoa chuông trong nhà màng ở Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Với mục tiêu phát triển làng hoa Sa Đéc trở thành vùng hoa nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vấn đề Đồng Tháp sẽ chú trọng trong thời gian tới là Trung tâm ƯDNNCNC tiên phong trong việc hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước để tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ mới nhằm chuyển giao cho người dân ứng dụng. Đặc biệt là tiếp cận những nền nông nghiệp có kỹ thuật cao như Hà Lan, Nhật, Israel... từng bước trồng hoa theo hướng công nghiệp để tiết kiệm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận; nghiên cứu về giống, kỹ thuật phù hợp với sản xuất hoa cắt cành nhằm thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu hoa kiểng. Bên cạnh đó, từng bước hình thành vùng nguyên liệu hoa để chiết xuất tinh dầu, ẩm thực, dược phẩm, mỹ phẩm từ hoa, góp phần khẳng định chất lượng đặc trưng và nâng tầm giá trị của hoa kiểng Sa Đéc...

Theo ông Võ Thanh Tùng - Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc, với giá trị sản xuất hoa kiểng trong năm ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, ngành hàng hoa kiểng đang có sức hút và đem lại lợi nhuận khá cao cho người dân Sa Đéc. Từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng định hướng nông nghiệp đô thị của thành phố và xây dựng Sa Đéc thành “Vương quốc hoa” của đồng bằng sông Cửu Long. Riêng hoa hồng là một trong những loài hoa đặc trưng của ngành hàng này, được địa phương chọn làm logo biểu trưng của thành phố. Những năm qua, thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về khoa học, công nghệ trong lai tạo, cấy ghép, thuần dưỡng giống hoa hồng truyền thống cũng như nhân giống hoa nhập từ các nơi khác về tạo thêm sự đa dạng về chủng loại hoa hồng tại địa phương; khuyến khích người dân mạnh dạn dồn điền đổi thửa, tạo nên vùng sản xuất hoa rộng lớn, tập trung cùng chủng loại để hướng đến thị trường xuất khẩu, đồng thời phát triển du lịch tăng thêm lợi nhuận và thu nhập của người dân.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn