Ứng phó biến đổi khí hậu của Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 20/05/2016 11:28:45

Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, do nằm ở biên giới phía Tây nên phần chịu tác động của triều cường, mặn xâm nhập và nước biển dâng sẽ ít hơn các tỉnh ven biển nhưng chịu ảnh hưởng nặng hơn phần lũ lụt từ Campuchia đổ về và những tác động khác về nhiệt độ tăng, hạn hán khốc liệt trong mùa khô và mưa bão diễn biến bất thường.

Tác động của El Nino kéo dài từ tháng 9/2014-5/2016, thời tiết nắng nóng kéo dài nên tác động đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh như: xử lý xoài rất khó ra hoa; mùa quýt hồng năm 2015 cho năng suất chất lượng quả kém; rau dưa năng suất thấp, dịch hại nhện gié, bọ trĩ trên lúa, nhện lông nhung trên nhãn, nhện vàng trên cam quýt kéo dài.

Nhiệt độ tăng kết hợp với hạn hán kéo dài suốt mùa khô từ tháng 2 đến cuối tháng 4 gây ảnh hưởng bất lợi đến cây trồng. Cây lúa khi nhiệt độ trên 35oC, sẽ không quang hợp mà chuyển qua tiến trình quang hô hấp, tiêu tốn tinh bột dự trữ nên cho năng suất rất thấp. Nhiệt độ cao trong lúc trổ sẽ làm tỷ lệ thụ phấn kém, tăng tỷ lệ lép. Sản xuất lúa trong thời gian này tiêu tốn trên 10.000m3 nước/ha, lúc đó lượng nước trong các kênh ở huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình và Tam Nông cạn kiệt nên sẽ bị thiếu nước. Xử lý xoài và cam quýt ra hoa trong thời gian này rất khó khăn vì nhiệt độ thích hợp xoài ra hoa là 22-30oC, quýt 20-28oC.

Như vậy, chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu trong mùa khô là chuyển từ lúa sang màu, trong đó ưu tiên cho nhóm cây chịu đựng được nhiệt độ cao như: bắp, mía, cao lương (lúa miến hay shorghum) vẫn quang hợp khi nhiệt độ lên đến 40oC. Những cây màu khác như đậu nành, dưa hấu, dưa leo... chịu được nhiệt độ tối đa 35oC, riêng đậu phộng, ớt và đậu trắng chịu được 38oC. Trong thời gian tới, trong từng loại màu, cần quan tâm nghiên cứu, lai tạo và du nhập những giống màu chịu nhiệt phục vụ cho sản xuất vụ xuân hè.

Tương tự, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng tác động rất lớn đến ngành hoa kiểng ở TP.Sa Đéc và TP.Cao Lãnh. Việc điều khiển ra hoa ngay dịp Tết sẽ ngày càng khó khăn hơn. Những cây cần nhiệt độ lạnh để trổ hoa dịp Tết như: mai vàng, cúc, vạn thọ, cát tường... cần nghiên cứu cải tiến kỹ thuật điều khiển ra hoa theo ý muốn. Các làng hoa này trong thời gian tới phải từng bước chuyển sang mô hình ứng dụng công nghệ cao, trồng hoa trong nhà lưới hoặc nhà phủ nylon để tránh mưa và nhiệt độ diễn biến bất thường lúc Tết.

Trong thời gian tới, có lẽ loại cây trồng thích nghi với vụ xuân hè nhất trong điều kiện nhiệt độ cao và thiếu nước là cây mè. Cây mè thuộc nhóm cây khô hạn phát triển ở các nước Châu Phi. Nhu cầu nước của cây mè chỉ cần 500-600m3 nước/ha, dễ trồng, ít bị sâu bệnh, nhu cầu thế giới tăng cao sẽ rất có triển vọng phát triển trong vụ xuân hè. Những mô hình trình diễn từng thực hiện ở huyện Hồng Ngự và Tân Hồng chỉ tưới 1-2 lần vẫn cho năng suất cao. Thế giới tổng kết, mè là loại cây cho thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác cao, dễ trồng, ít bị sâu bệnh sẽ trở thành loại cây chiến lược thích nghi với hiện tượng nóng ấm toàn cầu.

Cây ăn trái trong thời gian tới cũng sẽ thay đổi cơ cấu để thích nghi với biến đổi khí hậu. Nhóm cây chịu mát như cây có múi, sầu riêng sẽ thay bằng nhóm cây chịu nhiệt như: thanh long, xoài, nhãn, vú sữa, mít... Bản thân cây xoài khi nhiệt độ cao sẽ khó điều khiển ra hoa trái vụ, bù lại năng suất của vụ chính sẽ cao hơn. Lúc đó cũng cần tính đến phương án nhập các giống cam quít chịu nhiệt của Israel, kết hợp trồng cây che mát sẽ giảm thiệt hại do nhiệt độ cao.

Nhìn chung, biến đổi khí hậu toàn cầu trong thời gian tới rất phức tạp và ảnh hưởng của chúng đối với sản xuất nông nghiệp khó lường. Tuy nhiên, các tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực giống sẽ góp phần hạn chế được phần nào tác hại của nó. Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI đã xác định những gene chịu ngập Sub1, GnS2 nằm trên nhiễm sắc thể số 9, giúp cây lúa chịu ngập từ vài ngày đến vài tuần. Phát triển các giống lúa gia tăng sản lượng để thích nghi nóng ấm toàn cầu, thay đổi khí hậu, phát triển của các nòi sâu bệnh mới và nhiều điều kiện khắc nghiệt làm giảm năng suất lúa. Năm 2009, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI Philippines có 3 giống lúa công nhận cho những vùng có môi trường khắc nghiệt. Trong đó, có 1 giống chịu mặn, 1 giống chống chịu ngập nước và 1 giống chịu hạn. 3 giống lúa này được Philippines xếp hạng 2 trong 10 tiến bộ kỹ thuật sáng giá nhất năm 2009. Chỉ riêng giống chịu mặn có thể giúp Philippines tăng sản lượng 0,8-1 triệu tấn do mở thêm 400.000ha đất mặn ven biển thành đất lúa. Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI đang chủ trì dự án đầy tham vọng nhằm thiết kế lại quang hợp cho cây lúa. Dự án này tập hợp các nhà khoa học hàng đầu thế giới từ nguồn kinh phí tài trợ của vợ chồng tỷ phú Bill & Melinda Gates 11 triệu USD trong 3 năm. Kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án này với mục tiêu tạo ra giống lúa cho năng suất tăng 50%, sử dụng ít phân bón và ít nước hơn.

Ths Nguyễn Phước Tuyên

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn