Vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 31/12/2019 05:29:31

ĐTO - Năm 2019, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh nhà đẩy mạnh công tác tổ chức đánh giá nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng các đề tài, dự án áp dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện một số tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài ra, Sở KH&CN còn tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững...


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan tham dự lễ ra mắt An Hưng Hội quán (huyện Lấp Vò). 
Ảnh: Nhật Khánh

Thiết thực từ những đề tài, dự án

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh và Bộ KH&CN, trong năm 2019, có 3 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2020 được Bộ KH&CN phê duyệt. Điển hình là nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp” do Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh thực hiện. Mục đích hướng đến của đề tài này là tăng cường kết nối và đổi mới sáng tạo cho bà con thông qua xây dựng hệ thống công nghệ truyền thông, số hóa tại thôn, ấp. Đây là công trình nghiên cứu hứa hẹn nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nông thôn mới tại Đồng Tháp.

Đối với nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, Sở KH&CN tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng, có ý nghĩa lớn của địa phương. Tiêu biểu như nhiệm vụ “Nâng cao chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) gắn với phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kết quả của nhiệm vụ này là cơ sở khoa học để cung cấp thông tin phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020-2025. Đối với nhiệm vụ “Tổng kết, đánh giá mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp (2016-2020)”, thực hiện với mục tiêu cung cấp cơ sở thực tiễn cho nghiên cứu lý luận, phục vụ việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, ngành KH&CN còn tổ chức đánh giá, nghiệm thu các đề tài bám sát Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đang thực hiện. Điển hình là nhiệm vụ “Nghiên cứu biện pháp làm đất thích hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững trên đất trồng lúa 3 vụ tại tỉnh Đồng Tháp”. Nhiệm vụ này giải quyết được bài toán duy trì ổn định sản lượng lúa 3 vụ, tăng thu nhập cho nông dân và duy trì độ phì nhiêu của đất, giảm lượng phân bón, hạn chế được tác hại do lạm dụng phân bón hóa học đến môi trường đất. Đồng thời còn là cơ sở khoa học và thực tiễn để tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật mới cho khâu làm đất để canh tác lúa 3 vụ/năm.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bông lau tại Đồng Tháp” có ý nghĩa thực tiễn cao trong sản xuất. Theo đó, chủ động cung cấp giống cho thị trường bổ sung một mô hình nuôi thủy sản mới có giá trị kinh tế, tiềm năng phát triển với quy mô công nghiệp, phục vụ thị trường xuất khẩu...


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (người đứng thứ 4 từ trái sang) đến thăm Minh Tâm Hội quán, huyện Cao Lãnh. 
Ảnh: Nhật Khánh

KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Xem KH&CN là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh quan tâm đầu tư các trang thiết bị, trụ sở cho tổ chức KH&CN công lập. Trụ sở Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm Đồng Tháp được nghiệm thu đưa vào sử dụng, với trang thiết bị được tỉnh quan tâm đầu tư. Đơn vị thực hiện tự chủ về chi thường xuyên, với năng lực hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phân tích, thử nghiệm, kiểm định, ứng dụng, thông tin và thống kê về KH&CN. Hiện nay, đơn vị được Văn phòng Công nhận chất lượng (Bộ KH&CN) công nhận là Phòng Phân tích thử nghiệm phù hợp theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 (phiên bản mới nhất hiện nay).

Thực hiện Chương trình “Quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến năm 2020”, Sở KH&CN hỗ trợ 2 hợp tác xã làng nghề (làng nghề dệt choàng Long Khánh A và dệt chiếu cói Định An) xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 sản phẩm truyền thống được công bố tiêu chuẩn cơ sở. Việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở giúp đơn vị sản xuất có công cụ quản lý chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao và giữ ổn định chất lượng sản phẩm, tăng uy tín sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Qua đó, góp phần phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh.

Đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận tại Quyết định số 5849/QĐ-SHTT ngày 26/11/2019. Đây là Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Công cụ này giúp tăng cường lợi thế so sánh và sức cạnh tranh của sản phẩm xoài Cao Lãnh, góp phần phát triển, quảng bá và có cơ hội xuất khẩu cao, tiếp cận được những thị trường khó tính. Ngoài ra, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục, đào tạo và hỗ trợ hoạt động sáng tạo không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bước đầu phát huy hiệu quả.

Mặc dù năm 2019 hoạt động KH&CN đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: sự chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn thấp; một số chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN triển khai vào thực tế còn chậm (phát triển công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp KH&CN) phần nào hạn chế hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; việc đổi mới công nghệ chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Đồng thời mức hỗ trợ từ chính sách chưa đủ thu hút; thị trường KH&CN phát triển còn chậm, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được nhiều.


Ngành hàng xoài đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường khó tính trong năm qua. 
Ảnh: Mỹ Nhân

Tại hội nghị tổng kết ngành KH&CN, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN định hướng, ngành, địa phương tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cho năm tiếp theo. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung thuộc danh mục trong Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa UBND tỉnh và Bộ KH&CN nhằm phát triển mạnh hoạt động lĩnh vực KH&CN. Nhất là các nhiệm vụ tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu nông sản chủ lực, đặc thù theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa hoạt động thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KH&CN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đánh giá cao những kết quả đạt được của đơn vị trong năm qua, giải quyết tốt yêu cầu đặt ra của địa phương, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở KH&CN tiếp tục quan tâm đến đề tài cấp Bộ về Làng thông minh, thực hiện tại xã Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh). Đây là mô hình nhằm tiếp cận hiện đại hóa khu vực nông thôn, là cơ sở để tỉnh triển khai trên diện rộng. Cùng với đó là phân công công chức theo dõi đề tài tổng kết, đánh giá mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng cho rằng hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị cần thường xuyên tổ chức các hoạt động này nhằm ngăn chặn hàng gian, hàng giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường...

Tâm Yên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn