Chính phủ Pháp kêu gọi chấm dứt đình công trước Euro 2016

Cập nhật ngày: 10/06/2016 06:03:01

Chính phủ Pháp vừa phải lên tiếng kêu gọi công nhân nước này chấm dứt đình công và nhanh chóng trở lại làm việc, nhằm tạo một hình ảnh đẹp về nước Pháp trước khi làn sóng du khách quốc tế đổ về trong dịp Euro 2016.

chinh phu phap keu goi cham dut dinh cong truoc euro 2016 hinh 0
Cảnh sát Pháp đụng độ với người biểu tình. (Ảnh: AP)

Những ngày qua, Pháp đang trở thành tâm điểm dư luận khi làn sóng đình công, biểu tình phản đối dự luật lao động tại quốc gia châu Âu này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Áp lực đang đè nặng lên vai chính phủ Pháp khi các nhân viên ngành đường sắt của nước này liên tục tiến hành đình công, làm tê liệt dịch vụ đường sắt từ Pháp tới Italia và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, các nhân viên thuộc hãng hàng không Air France cảnh báo sẽ đình công dài hạn trong một vài tuần tới. Công đoàn Lực lượng công nhân (FO) thậm chí còn đe dọa gây cản trở tại sự kiện thể thao trọng đại Euro 2016.Bộ trưởng Môi trường Pháp, Segolene Royal, hôm 9/6 lên tiếng đề nghị các nghiệp đoàn ngồi vào đàm phán và khẳng định các vụ đình công sẽ làm "niềm tự hào của nước Pháp bị đe dọa” và “làm hại đến khả năng tổ chức những sự kiện toàn cầu của chính phủ”.

Theo phóng viên Đài TNVN đang tác nghiệp tại Paris, rác đã "bao vây" thủ đô Paris (Pháp), sau khi công nhân của một trung tâm xử lí rác đình công. Dịch vụ đường sắt cũng bị gián đoạn khi công nhân phong tỏa ga Gare du Nord ở thủ đô.

Báo chí quốc tế đưa tin khoảng 1.600 cây xăng trên toàn nước Pháp đã cạn hàng, bởi các nhân viên đồng loạt nghỉ việc để tham gia đình công. Phần lớn lãnh thổ Pháp rơi vào tình trạng thiếu hụt xăng dầu nghiêm trọng. Ngoài ra, 11/58 nhà máy điện hạt nhân của Pháp cũng chịu ảnh hưởng vì mất điện ngoài dự kiến, do công nhân tham gia đình công...

Nguyên nhân của các cuộc biểu tình kéo dài suốt ba tháng qua là dự luật cải cách lao động được Bộ trưởng Lao động Pháp Myriam El Khomri đưa ra hồi tháng 2 vừa qua, với điểm gây tranh cãi chính là đề xuất tăng thuế với các hợp đồng ngắn hạn để khuyến khích giới doanh nghiệp thuê người theo hợp đồng dài hạn.

Chính phủ Pháp cho rằng, đây là một trong những nỗ lực nhằm giảm tình trạng thất nghiệp, vốn đang ở mức 10% của quốc gia này. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng, dự luật mới đe dọa quyền lao động và khiến tình hình công ăn việc làm của giới trẻ Pháp trở nên bấp bênh hơn.

Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Pháp và Tổng liên đoàn Lao động Pháp (CGT) vào cuối tháng 5 vừa qua vẫn đi vào ngõ cụt, vì không bên nào chịu nhượng bộ.

Thành Lương (VOV-Trung tâm Tin)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn