Cựu Phó Đô đốc Nhật Bản lo ngại hành vi bồi đắp đảo của Trung Quốc

Cập nhật ngày: 23/07/2015 07:25:22

Trong hai ngày 22-23/7, Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế thuộc Đại học Meiji (Nhật Bản) đã chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình và ổn định tại vùng biển châu Á,” trong đó tập trung bàn về tranh chấp và đề ra các giải pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Biển Đông.


Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Tri Phương/Vietnam+)

Trong ngày làm việc thứ nhất, hội thảo đã thu hút gần 200 lượt thính giả, trong đó có nhiều nhân viên các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Tokyo, đại diện các viện nghiên cứu, học giả, các nhà bình luận chính trị...

Với 11 bản tham luận, các diễn giả là các cựu quan chức cao cấp, các giáo sư tại các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam, Đài Loan đã tập trung phân tích những diễn biến mới nhất tại Biển Đông, chủ trương, chính sách của các nước, vùng lãnh thổ liên quan trực tiếp và gián tiếp đối với tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời gợi ý một số biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng tại vùng biển huyết mạch của nền kinh tế thế giới.

Trong bài phát biểu chủ đạo của hội thảo, cựu Phó Đô đốc, Tư lệnh hạm đội lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản Koda Yoji phân tích nguyên nhân, ý đồ và quá trình bồi đắp quy mô lớn các đá tại Biển Đông của Trung Quốc. 

Theo ông Koda Yoji, không dừng lại với khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Bắc và Trung Biển Đông với căn cứ quân sự ở Tam Á và đảo Phú Lâm, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ biến đá Chữ Thập thành một cơ sở chủ chốt tại khu vực Nam Biển Đông, có khả năng tiếp nhận các máy bay và tàu biển cỡ lớn. 

Nếu ý đồ này thành hiện thực, Bắc Kinh sẽ biến khả năng kiểm soát thực tế từ “điểm” sang “tuyến,” kéo dài 900km từ đảo Phú Lâm tới quần đảo Trường Sa, giành ưu thế rõ nét trong cán cân quân sự tại khu vực. 

Cựu Phó Đô đốc Nhật Bản cho rằng nếu cộng đồng quốc tế không lên tiếng mạnh mẽ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng căn cứ quân sự tại bãi Hoàng Nham (Scarborough), hình thành khu vực tam giác Phú Lâm-Chữ Thập-Hoàng Nham nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Về yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, cựu quan chức hàng đầu của hải quân Nhật Bản cho rằng đây là chủ trương không thèm đếm xỉa tới luật pháp quốc tế và sẽ làm đảo lộn trật tự hàng hải quốc tế. 

Ông Koda Yojji cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ dẫn tới mất ổn định nghiêm trọng tại khu vực, đ​ồng thời kêu gọi dư luận cảnh giác với ý đồ của Trung Quốc trong việc quản chế, hạn chế tự do đi lại ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích về việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng và sự đe dọa đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông. 

Ông Phạm Quang Minh nhấn mạnh việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ vi phạm DOC mà còn cho thấy sự thay đổi trong phát ngôn của nước này về hành động của họ ở Biển Đông, đánh dấu sự thay đổi trong suy nghĩ của nước này. 

Trước hết, Bắc Kinh cho rằng những hành động này là hợp pháp, hợp lý, chính đáng. Tiếp đến, Trung Quốc cố gắng giải thích mục đích bồi đắp đảo, gợi ý các nước có thể sử dụng các cơ sở trên các đảo nhân tạo... Tuy nhiên, những lập luận của Trung Quốc mang tính chất ngụy biện hơn là thực tế.

Đại diện đến từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ), diễn giả Alexander L. Vuving phân tích về chính sách, cam kết, ưu tiên cũng như những nguồn lực mà Chính phủ Mỹ có thể sử dụng trong vấn đề Biển Đông. 

Theo diễn giả này, chính quyền Mỹ có thể sử dụng sức mạnh kinh tế, các quy định quốc tế do Mỹ cổ súy, mạng lưới đồng minh và đối tác... để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện tự do đi lại, duy trì ưu thế hải-không quân của Mỹ và bảo vệ các đồng minh, đối tác. Ông Vuving cho rằng trong các cam kết trên, Mỹ giành ưu tiên hàng đầu vào việc đảm bảo tự do đi lại và duy trì ưu thế sức mạnh hải-không quân tại khu vực.

Tiến sỹ khoa học chính trị Yongshu Li, hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Đại học Meiji, sau khi phân tích những điểm mâu thuẫn trong chính sách ngoại giao của một số nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông, biển Hoa Đông, đã gợi mở một số giải pháp nhằm làm giảm căng thẳng như đề nghị các bên liên quan thực thi chính sách nhất quán, mời gọi các trung gian khách quan như Liên minh châu Âu làm trung gian hòa giải.

Vietnam+

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn