Italy: Sỉ nhục người khác trên mạng xã hội sẽ bị truy tố
Cập nhật ngày: 18/04/2014 07:27:02
Dùng mạng xã hội để nói xấu người khác theo mức độ nghiêm trọng, tới mức sỉ nhục họ, kể cả khi không nhắc đến tên của ai, có thể sẽ bị truy tố về tội làm nhục người khác.
Đó là kết luận mà Tòa án tối cao Italy đưa ra hôm 17/4 liên quan đến một vụ sỉ nhục người khác trên Facebook mà họ đã thụ lí.
Vụ việc bắt đầu khi một tòa án quân sự ở Rome kết án tù 3 tháng đối với một sĩ quan đã dùng Facebook của mình để sỉ nhục một người được chỉ định thay thế vị trí của anh ta trong đơn vị bằng những từ ngữ hết sức nặng nề.
Nhưng sau đó, anh này đã được trắng án trong phiên xử phúc thẩm, vì luật sư cãi thắng khi cho rằng, thân chủ của ông ta không nhắc đến tên của người sẽ thay anh ta, cũng như không hề đề cập đến tính chính xác của thời điểm thay thế.
Tuy nhiên, Tòa án tối cao Italy lại bác phán quyết này sau khi nhất trí với kết luận của Viện công tố quân đội, cho rằng, việc không nêu tên chủ thể định sỉ nhục còn có ý nghĩa tiêu cực hơn, khi "bất cứ ai, dù là người quen, đồng nghiệp hay những người đọc được các dòng chữ ấy trên Facebook, có thể cảm thấy mình đang bị xúc phạm."
Theo bà Caterina Malavenda, luật sư về quyền con người trong lĩnh vực thông tin và tội bôi nhọ người khác, thì việc chủ thể muốn làm nhục người khác để cho thông điệp mang tính sỉ nhục của mình ở chế độ công khai (Public) hay đóng (Closed) đều có thể được coi là một hành vi phạm tội hay không.
"Việc đặt chế độ riêng tư của thông điệp cần gửi đi có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu thông điệp đó để công khai thì tất cả mọi người trên mạng xã hội đều có thể đọc được, do Facebook là một mạng xã hội lớn, có khả năng phát tán thông tin rộng khắp.
Facebook đã đi xa hơn chức năng truyền bá thông điệp của nó mà còn có thể trở thành công cụ lan truyền những lời thóa mạ, bôi nhọ người khác. Trên phương diện mạng xã hội, Twitter có thể được coi là nguy hiểm hơn Facebook, bởi cơ chế chia sẻ thông tin (retweet) mạnh hơn, nhanh hơn."
Theo nhật báo La Repubblica, việc Tòa án tối cao đưa ra những kết luận như trên và các cơ quan pháp luật Italy quan tâm nhiều hơn đến các hình thức sỉ nhục trên mạng xã hội là cần thiết, bởi việc sử dụng mạng xã hội, nhất là Facebook và Twitter, ở Italy trong thời gian gần đây đang có những dấu hiệu tiêu cực.
Dư luận Italy đã bị sốc khi chỉ trong hai tháng qua, hai cô bé 14 tuổi ở miền Bắc nước này đã tự tử sau khi nhận được những lời lẽ tục tằn và bôi nhọ họ trên các trang mạng xã hội. Cả hai cô bé đều sử dụng Ask.com, một trang mạng đang được rất nhiều người dùng, đặc biệt là trong giới trẻ, cũng như Facebook.
Theo cơ quan điều tra, do không chịu đựng được những lời sỉ nhục, nhiều trong số đó là từ bạn bè cùng trang lứa ở trường, họ đã tự kết thúc cuộc sống của mình.
Vietnam+