Nhiều hệ lụy từ Brexit - Bất ngờ và kịch tính

Cập nhật ngày: 15/07/2016 08:06:39

Ngoài việc Brexit kích hoạt chạy đua vũ trang giữa EU và Nga, một hậu quả khó lường khác đang diễn ra ở Trung Đông khi các nước Arập không còn tin tưởng vào liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Liên minh thất thế

Theo nguồn tin của trang tin tình báo Debka, các chính phủ ở Trung Đông bắt đầu tỏ ra lo ngại vì đã phụ thuộc vào Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến chống IS. Họ dường như cho rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu đang suy yếu, đồng thời dự đoán Anh sẽ giảm hoặc thậm chí rút toàn bộ lực lượng của mình ra khỏi chiến trường trong tương lai gần.



Lực lượng quân sự NATO tăng cường sự hiện diện ở Đông Âu để giám sát động tĩnh của Nga

Quan chức tại một số quốc gia Ảrập thậm chí con thảo luận về khả năng dừng tẩy chay Tổng thống Syria B. al Assad và có thể hợp tác quân sự với chính quyền Damascus nhằm chống lại khủng bố - một lựa chọn trước đó vốn là điều không tưởng.

Cũng theo nguồn tin này, có những dấu hiệu cho thấy sự hài lòng của một số quốc gia Hồi giáo Trung Đông về một thực tế suy yếu dần của NATO. Các nước này đang đưa ra những thông điệp cho thấy “sự đồng thuận chính trị” hiếm hoi đầu tiên trong thế giới Ảrập và Hồi giáo, kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy Mùa xuân Ảrập  năm 2010.

Ngay từ khi thành lập, liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu không đủ tự tin và để lôi kéo thêm các nước Ảrập ủng hộ kế hoạch của mình, chính quyền Mỹ cùng các lãnh đạo châu Âu đã ngầm ủng hộ Tổng thống Iran Hassan Rouhani, với hy vọng sẽ được chứng kiến một nước Iran dân chủ tự do và lật sang trang mới trong quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên mới đây, ông Hamid Abutalebi - Phó Chánh văn phòng tổng thống Iran về các vấn đề chính trị - cho rằng Iran đang có cơ hội mới, sau khi “EU đã mất niềm tin của người dân châu Âu”.

Chi tiền tỷ cho quốc phòng

Với tiêu đề “Brexit kích hoạt chạy đua vũ trang”, trang mạng Sputnik của Nga dẫn bài viết của cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul, trong chuyên mục trên trang web báo Washington Post viết rằng: “Brexit đồng nghĩa với việc mất một trong những thành viên có giá trị nhất của EU”. Ông McFaul còn cho rằng sự tan rã của EU dường như chỉ có lợi cho Mátxcơva. Một số chính trị gia phương Tây bắt đầu nói về sự cần thiết phải đẩy mạnh quá trình quân sự hóa và kiểm soát Mátxcơva về mặt quân sự. Để giải quyết những mâu thuẫn này vẫn là tăng cường cuộc chạy đua vũ trang với quy mô lớn, mà có thể sẽ có quy mô lớn hơn cuộc chạy đua vũ trang trong thời Chiến tranh lạnh.

Chủ tịch Ủy ban chính sách quốc tế Nghị viện châu Âu Elmar Brok đã kêu gọi thành lập bộ chỉ huy quân sự chung của EU và trong triển vọng dài hạn phải thành lập quân đội chung châu Âu.  Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag, ông Brock nói rằng, sau cuộc trưng cầu ý dân ở Anh, châu Âu trở nên dễ bị tổn thương hơn… Theo ý kiến ​​của đại diện Nghị viện châu Âu, quyết định Brexit sẽ thúc đẩy quá trình thành lập quân đội EU. Một số quốc gia hàng đầu ở châu Âu đã tăng ngân sách quân sự và đều đồng ý tăng cường các nhóm quân sự của liên minh sát gần biên giới Nga. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đòi Nga phải công khai thông báo cho OSCE về sự di chuyển và quân số của quân đội nước mình. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag, bà Ursula von der Leyen nói: “Sẽ là khôn ngoan nếu NATO và Nga trong khuôn khổ OSCE công khai báo cáo mọi hoạt động quân sự và số lượng binh lính. NATO với tư cách một liên minh thuần túy mang tính phòng thủ đã từ lâu đề xuất sáng kiến này”.

Tất nhiên, Nga không thể phản ứng tích cực với đề xuất của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức. Ý tưởng thúc đẩy quá trình thành lập lực lượng quân đội Liên minh châu Âu rõ ràng sẽ chỉ buộc Mátxcơva phải củng cố sức mạnh quốc phòng bằng cách đổi mới công nghệ quốc phòng của mình. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 11-7 cho biết, Chính phủ Nga đã phê chuẩn kế hoạch chi 15,625 tỷ USD cho chương trình phát triển tổ hợp quốc phòng mới của nước này trong năm nay. Ông Medvedev nhấn mạnh đây là chương trình lớn và rất được kỳ vọng. Số tiền trên sẽ được dùng để tái trang bị cho các xí nghiệp, nhà máy thuộc tổ hợp quốc phòng trang thiết bị mới hiện đại. Theo ông Medvedev, sự phát triển tình hình địa chính trị cho thấy Nga có thể trở nên mạnh hơn khi lực lượng vũ trang được củng cố và có khả năng giải quyết mọi nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang không thể hiện đại hóa với những loại vũ khí cũ, vì vậy Nga đã lên kế hoạch nâng tỷ lệ trang bị vũ khí mới cho lực lượng vũ trang lên 79%. Trong một số trường hợp, tỷ lệ này còn cao hơn. Ông Medvedev còn cho biết thêm, Tổng thống Nga Vladimir Putin rất tán thành chủ trương hiện đại hóa tổ hợp công nghiệp quốc phòng nhằm cung cấp cho quân đội và Hải quân Nga các loại vũ khí mới.

VIỆT ANH/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn