Nhiều nguy cơ bất ổn với kinh tế thế giới

Cập nhật ngày: 11/07/2016 07:50:02

Tình hình  tế thế giới địa chính trị thế giới hiện đang được xem là góp phần tăng nguy cơ bất ổn kinh tế thế giới khi kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Trang mạng Houston Chronicle cho rằng thế giới trở thành nơi hết sức nguy hiểm cho các nhà đầu tư tại thời điểm này.

Tìm đến vàng

Sự kiện nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã làm chứng khoán thế giới bốc hơi hàng ngàn tỷ USD chỉ trong một đêm. Bên cạnh đó, căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và lò lửa Trung Đông với làn sóng khủng bố mới của tổ chức Hồi giáo tiếp tục gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Điều đó giải thích vì sao các nhà đầu tư tìm đến vàng, đẩy giá của kim loại này tăng cao đột ngột.


Chứng khoán toàn cầu trồi sụt bất thường do bất ổn kinh tế

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kiềm giữ lãi suất ở mức thấp nhất trong gần 9 năm, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đang thử nghiệm lãi suất âm và Ngân hàng Anh dự kiến ​​sẽ cắt giảm thêm lãi suất càng khiến giới đầu tư rút tiền khỏi các ngân hàng. Điều này khiến các ngân hàng càng thêm khó khăn, đặc biệt là các ngân hàng ở châu Âu với số lượng ngày càng tăng của các khoản nợ xấu. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều giảm so với trước, trong đó kinh tế Mỹ dự báo chỉ tăng trưởng 2% trong năm 2016 thay vì 2,3 % so với dự báo trước đó. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ tư năm 2016 còn 3,2 % từ mức 3,4 % phần trăm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu và rủi ro địa chính trị. Theo Reuters, tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự kiến ​​năm 2016 là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng dưới 3% về thương mại toàn cầu. 

Nỗi lo bảo hộ mậu dịch 

Những bóng ma của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trở lại. Đó là nhận định của các bộ trưởng Thương mại nhóm G20 họp ở Thượng Hải, Trung Quốc trong 2 ngày 9 và 10-7. Nước chủ nhà Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này là nạn nhân của các hành động chống bán phá giá tại nước ngoài mà không căn cứ vào chi phí sản xuất thấp của nước này. Bộ trưởng thương mại từ các nước G20 đã kêu gọi chính phủ của họ phải chống lại các biện pháp phi tự do thương mại đã trở nên phổ biến hơn từ năm 2009.
Tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn thế giới và tăng trưởng thương mại tăng chậm đáng kể. Tuyên bố cũng ủng hộ bộ 9 nguyên tắc cốt lõi hoạch định chính sách đầu tư toàn cầu trình Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Một báo cáo mới đây của WTO  cho thấy có sự gia tăng đáng lo ngại về bảo hộ kinh tế. Các quốc gia đã áp đặt các rào cản bảo hộ thương mại mới ở tốc độ nhanh nhất kể từ khi bắt đầu cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Kể từ năm đó, các nước nhóm G20 đã dựng lên 1.583 hạn chế thương mại mới, có khả năng làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu. Cuộc trưng cầu dân ý Brexit cũng là đòn giáng mạnh vào các quy tắc thị trường tự do đã được thi hành trong nhiều thập kỷ ở phương Tây. Đáng chú ý, trong thời đại của siêu đảng phái, sự hoài nghi về tự do thương mại được nhiều người chia sẻ. Tại Mỹ, ứng viên tổng thống Donald Trump và Bernie Sanders đều phản đối các hiệp định tự do thương mại. Ngay cả ứng viên Hilary Clinton cũng cam kết sẽ ngừng thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tương tự như vậy, ở châu Âu là các chính trị gia cánh hữu như Nigel Farage và Marine Le Pen phản đối. WTO nhận định: Nếu xu hướng chống thương mại tự do vẫn còn, nền kinh tế toàn cầu đã ốm yếu sẽ chỉ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và sẽ gây tổn hại đến sự thịnh vượng của các thế hệ tương lai.

THỤY VŨ/SGGPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn