Các bệnh do hút thuốc lá chủ động

Cập nhật ngày: 30/07/2020 10:40:31

Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi

Khi chúng ta hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm. Không khí hít vào sẽ đi qua khí quản để vào phổi. Khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất đó là quá trình lọc ở mũi.

Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng tăng tính đáp ứng đường thở do ảnh huởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở dễ bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hút thuốc và do đó hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở. Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn. Hút thuốc lá là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người hút thuốc có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc (WHO).

Hút thuốc và bệnh tim mạch

 Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp 2 - 3 lần và nó còn tương tác với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ lên gấp nhiều lần. Những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc cao là xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ. Trong đó, bệnh mạch vành là phổ biến nhất, ước tính chiếm khoảng hơn một nửa trường hợp tử vong vì bệnh tim do hút thuốc.

Hút thuốc và bệnh ung thư

Thuốc lá gây ra xấp xỉ 90% tổng số người chết vì ung thư phổi; hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở nhiều các phần khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng. Tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư khác nhau của người hút thuốc cao gấp 2 lần người không hút thuốc, những người nghiện thuốc nặng có tỷ lệ chết vì ung thư gấp 4 lần so với người không hút.

Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến các bệnh khác như khói thuốc gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, tỷ lệ sinh đẻ ở phụ nữ hút thuốc thấp hơn khoảng 30% so với phụ nữ không hút thuốc; những phụ nữ hút thuốc nguy cơ sảy thai cao gấp 1,5 so với những người không hút; hạn chế hiệu quả điều trị vô sinh; gây mãn kinh sớm; đẻ non...

Hút thuốc lá gây rối loạn tình dục ở nam giới

Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị liệt dương cao gấp 2 lần do gây xơ vữa động mạch ở dương vật làm giảm tưới máu (liệt dương do mạch máu); hút thuốc làm giảm số lượng tinh trùng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất chuyển hóa chính của khói thuốc được tìm thấy trong tinh dịch kìm hãm hệ thống enzym choline acetyltransferase, enzym cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động được. Thuốc lá làm giảm khả năng tình dục, gây bất lực và tăng nguy cơ vô sinh ở cả 2 giới.

NGUYỄN HIỀN

(Tổng hợp từ nguồn tài liệu phòng chống tác hại thuốc lá)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn