Phòng tránh dịch bệnh trong, sau mùa mưa, lũ

Cập nhật ngày: 13/06/2016 16:11:32

Để ngăn ngừa, giảm thiểu các bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ, Sở Y tế Đồng Tháp triển khai đến các đơn vị liên quan tăng cường công tác đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường, đặc biệt là việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Trong và sau mùa mưa, lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải, xác súc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan nên có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh như: bệnh về đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ, bệnh về da (nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa...). Ngoài ra, ngập lụt cũng là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi phát triển và nguy cơ bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng lên đáng kể nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa tốt.

Để phòng các bệnh trên, yếu tố vệ sinh môi trường sau mưa, bão, lũ rất quan trọng. Mỗi gia đình cần thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ, khi nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức gom rác thải, xử lý, chôn xác những loại động vật bị chết; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất; phun hóa chất diệt côn trùng ở những vùng, nơi động vật chết.

Cộng đồng đặc biệt lưu ý đảm bảo vệ sinh nguồn nước. Trong điều kiện mưa, lũ nguồn nước sinh hoạt cần được khử khuẩn ở các lu, giếng, dụng cụ chứa nước bằng hóa chất Cloramin B.

Thực hiện vệ sinh ăn uống “Ăn chín, uống chín”, tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn, uống; rửa tay sạch bằng xà bông trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng; dụng cụ, chén dĩa cần rửa sạch phơi khô ráo trước khi ăn; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng, chống côn trùng, động vật gây bệnh. Vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng bệnh đau mắt đỏ. Ngủ mùng để phòng nguy cơ muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết, mặc quần áo dài tay; giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở không có nước đọng tạo nơi sinh sản cho muỗi.

Công tác phòng ngừa dịch bệnh và xử lý nguồn nước cần được phổ biến, tuyên truyền rộng khắp đến từng hộ gia đình để mọi người nắm được và thực hiện theo chỉ đạo của các cơ quan y tế các cấp. Nếu có dấu hiệu không tốt cho sức khỏe cần đến Trạm y tế để kiểm tra những loại bệnh cần thiết để giúp phòng tránh bệnh sau mưa lũ một cách hiệu quả.

Diệu Hiền/TTTT-GDSK (Tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn