Chủ tịch UEFA Platini yêu cầu ông Blatter từ chức
Cập nhật ngày: 29/05/2015 05:44:49
Hôm 28-5, chủ tịch UEFA Michel Platini yêu cầu chủ tịch FIFA Sepp Blatter từ chức nhưng ông Blatter từ chối.
Chủ tịch UEFA, Michel Platini trong cuộc họp báo tối 28-5 (giờ VN)
Tối 28-5 (giờ VN), theo Hãng tin BBC, chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã chủ trì một cuộc họp khẩn. Nội dung chính trong cuộc họp khẩn là ông tuyên bố không từ chức. Ông Blatter cũng khẳng định cuộc họp bỏ phiếu bầu chủ tịch FIFA vẫn diễn ra bình thường trong ngày hôm nay (29-5).
Ngay sau cuộc họp khẩn, ông Platini đã tổ chức cuộc họp báo, thực hiện một lời kêu gọi chính thức để các thành viên FIFA đừng bỏ phiếu cho ông Blatter trong cuộc bầu chủ tịch FIFA. Hãng tin AFP dẫn lời ông Platini: "Tôi đã yêu cầu ông ấy từ chức: đủ rồi Sepp. Ông ấy lắng nghe tôi nhưng nói rằng mọi chuyện đã quá trễ. Tôi đã nói những điều này mà mắt ngấn lệ. Tôi không thích cách mọi chuyện đang xảy ra. Nhưng đã có quá nhiều scandal".
Ông Platini cũng tin rằng với những gì đang diễn ra, khả năng thất bại của ông Sepp Blatter trong cuộc bầu cử ngày mai là có thể.
Cũng đến tối 28-5, sau lời đe dọa sẽ không tham dự cuộc họp bầu cử chủ tịch FIFA, UEFA vừa khẳng định sẽ tham dự cuộc họp như bình thường.
Còn trước đó ông Blatter đã không xuất hiện tại Hội thảo y tế của FIFA, nơi cánh báo chí hi vọng sẽ có cuộc "tra hỏi" đầu tiên đối với ông Blatter lần đầu tiên kể từ sau khi các quan chức của FIFA bị bắt giữ ngày thứ tư 27-5.
Làn sóng kêu gọi ông Blatter đang lan rộng. Thủ tướng Anh James Cameron đã kêu gọi ông Blatter từ chức. Cùng chung quan điểm là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh Greg Dyke. Còn phó chủ tịch Liên đoàn bóng Anh, David Gill cho biết sẽ không giữ chức vụ trong Ủy ban chuyên trách của FIFA nếu như ông Blatter tái đắc cử. Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đưa ra ý kiến nên hoãn cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch FIFA vì hình ảnh FIFA đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Chính khách hiếm hoi có ý kiến ngược lại là Tổng thống Nga, Vladimir Putin. Theo ông Putin, mọi việc đang xảy ra đều là nỗ lực nhằm khiến chủ tịch Blatter không thể tái đắc cử. “Mỹ chẳng có liên quan gì đến FIFA. Đây rõ ràng là âm mưu của Mỹ nhằm mở rộng quyền lực tư pháp tại các nước khác” - ông Putin nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko cũng khẳng định hoàn toàn không có nguy cơ Nga đánh mất quyền đăng cai World Cup 2018. “Các đối tác Mỹ thường sử dụng những biện pháp mờ ám để đạt mục tiêu ích kỷ của họ và truy tố người khác bất hợp pháp. Trường hợp của FIFA cũng vậy” - ông Mutko nói.
Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) đưa ra tuyên bố chính thức phản đối việc hoãn bầu cử. Theo BBC, trong số 6 Liên đoàn bóng đá châu lục trên thế giới, chỉ có Liên đoàn châu Âu (UEFA) tạo áp lực đòi ông Blatter từ chức.
Theo luật, người đắc cử chủ tịch FIFA sẽ cần 2/3 trong tổng số 209 phiếu từ các thành viên FIFA. Nếu vẫn chưa phân được thắng thua, sẽ tiến hành bầu cử vòng hai, ở vòng này ai chiếm đa số phiếu sẽ thắng.
Trong bộn bề khó khăn, hàng loạt nhà tài trợ chính của FIFA như Visa, Coca-Cola, Adidas, McDonald, Huyndai Motor, Budweiser, Gazpron... đều gây áp lực yêu cầu FIFA phải hành động ngay lập tức để lấy lại hình ảnh của mình.
TTO