Khó khăn chuyện học văn hóa của vận động viên thể thao

Cập nhật ngày: 17/02/2016 12:39:46

Một câu chuyện đã được đề cập nhiều nhưng chưa bao giờ cũ của các vận động viên (VĐV) thể thao, đó chính là chuyện học văn hóa. Trong sự phát triển của thể thao hiện nay, chuyện học văn hóa dần được quan tâm nhiều hơn. Nhưng để có thể vừa giỏi trong thi đấu vừa có thành tích tốt trong học tập không phải là điều dễ dàng đối với bất cứ VĐV thể thao nào.


Một lớp học văn hóa của các vận động viên tại Trường năng khiếu Thể dục thể thao Đồng Tháp

17 giờ 30 mỗi ngày, sau thời gian tập luyện, các VĐV của Trường năng khiếu thể dục thể thao (TDTT) Đồng Tháp lại bắt đầu đến trường để chuẩn bị cho những tiết học văn hóa. Đến một lớp học dành cho các VĐV đang theo học chương trình của lớp 12, lớp có tổng cộng 21 em nhưng đã vắng hơn 7 em. Đó là những em của đội bóng đá U19 đang bận thi đấu vòng loại U19 Quốc gia tại TP.HCM. Ở 1 lớp kế bên, số lượng học sinh vắng cũng hơn phân nửa. Lý do vẫn là các em đang phải bận thi đấu hay đang đi tập huấn - Một hình ảnh không phải là hiếm gặp ở các lớp học dành cho các VĐV thể thao.

Đối với mỗi VĐV, học trên ghế nhà trường không quá vất vả so với khi tập luyện, mà cái khó dành cho họ chính là không có đủ thời gian để học. Chính vì thế, đối với lớp học đặc biệt này ban giám hiệu Trường năng khiếu TDTT luôn tạo điều kiện hết mức giúp các em củng cố lại kiến thức đã mất để có thể theo kịp với các bạn trong lớp. Theo chia sẻ của các giáo viên tại Trường năng khiếu TDTT, điều cần thiết trong việc giảng dạy là giúp các em có được những kiến thức cơ bản chứ không quá tập trung vào dạy những kiến thức nâng cao như học sinh bình thường. Bởi, ngoài chuyện thi đấu thường xuyên, các em còn phải dành thời gian cho việc tập luyện. Mỗi VĐV luôn phải dành 2 buổi mỗi ngày để tập luyện, còn thời gian phục vụ việc học văn hóa lại rất ít. Ông Lê Quang Hoạt - giáo viên Trường năng khiếu TDTT Đồng Tháp cho biết: “Do ít thời gian nghiên cứu tài liệu nên khả năng tiếp thu của các em Trường năng khiếu TDTT thường chậm hơn học sinh bên ngoài. Ngoài ra, các em cũng thường xuyên thi đấu và tập huấn nên việc học cũng gián đoạn. Về cơ bản, sau mỗi đợt thi đấu hay tập huấn, nhà trường sẽ tiến hành lập kế hoạch dạy bù để các em này có thể theo kịp chương trình”.

HLV Ngô Văn Thìn là người có nhiều năm trong công tác huấn luyện nên ông hiểu rõ những khó khăn của các VĐV thể thao. Chỉ tính riêng các học trò của ông trong môn bi sắt, thời gian dành cho tập luyện đến 6 - 7 tiếng mỗi ngày, thế nên, để tập trung cho việc học văn hóa đối với mỗi người là điều không dễ. HLV Ngô Văn Thìn cho biết: “Cá nhân tôi cho rằng việc vừa tập luyện thể thao để có thành tích tốt vừa giỏi văn hóa là điều rất khó. Vì muốn thi đấu thành công, mỗi VĐV ngoài sự nỗ lực cá nhân cần phải dành nhiều thời gian tập luyện”. Còn tay bi Nguyễn Thị Cẩm Duyên chia sẻ: “Hiện nay em đang theo học ngành TDTT tại Trường Đại học Đồng Tháp. Tuy nhiên, so với các bạn bình thường, em gặp nhiều khó khăn do phải dành nhiều thời gian cho việc tập luyện và thi đấu. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập”.

Có thể thấy, mỗi VĐV đều có những hướng đi riêng trên con đường phát triển thể thao của mình, với mỗi VĐV để có cả thành tích trong thi đấu và học văn hóa tốt phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của từng người. Cũng chính vì niềm đam mê thể thao mà mỗi VĐV đều phải cố gắng hơn rất nhiều so với những học sinh bình thường, thành tích thể thao là điều quan trọng đối với mỗi VĐV nhưng đôi khi để có được vinh quang là họ phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có cả con đường học vấn của mình.

P.L - L.Vinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn