24 người cứu nạn nhân tai nạn giao thông tại Kon Tum âm tính với HIV

Cập nhật ngày: 03/07/2017 15:05:49

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, 24 người trực tiếp tham gia cứu nạn cho nạn nhân bị nhiễm HIV sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Kon Tum đã được xét nghiệm và kết quả cho thấy âm tính với HIV.


Hiện trường vụ tai nạn

24 người cứu nạn đã được xét nghiệm và uống thuốc phơi nhiễm

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết, vào lúc 16 giờ ngày 30/6, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS khi nhận được thông tin có bệnh nhân nhiễm HIV bị tử vong do tai nạn giao thông tại xã Đác Hring, huyện Đác Hà, tỉnh Kon Tum. Đơn vị đã tiến hành rà soát báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh về danh sách bệnh nhân HIV điều trị ngoại trú ARV (số 393/BC-BVT ngày 05/6/2017), cập nhật thông tin từ phần mềm báo cáo INFO 3.0 và thông tin báo cáo xác minh của Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi.

Kết quả xác minh, bệnh nhân M, trú tại huyện Ngọc Hồi là bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và cư trú tại Ngọc Hồi, là nạn nhân đã tử vong do tai nạn giao thông vào lúc 12 giờ 55 phút tại thôn 11 xã Đác Hring, huyện Đác Hà, tỉnh Kon Tum.

Sau khi xác minh, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã hướng dẫn xử lý nạn nhân tử vong nhiễm HIV và hướng dẫn gia đình người nhiễm HIV tử vong thực hiện mai táng theo đúng quy định.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Đác Hà tư vấn vấn đề phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và ngoài nghề nghiệp. Đồng thời, tiến hành xét nghiệm HIV cho 17 cán bộ nhân viên y tế và bảy người dân tham gia hỗ trợ cấp cứu nạn nhân trong vụ tai nạn.

Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả các trường hợp đều âm tính với HIV. Trung tâm tiến hành lưu tất cả các mẫu máu để gửi xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật Elysa theo quy định.

Trung tâm cũng đã cấp phát thuốc miễn phí và bảo đảm người bị phơi nhiễm được uống thuốc dự phòng trước 72 giờ theo đúng phác đồ điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV cho 24 trường hợp trên.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết thêm, Trung tâm cũng đã tư vấn cho 24 trường hợp được điều trị dự phòng phơi nhiễm quay lại xét nghiệm theo quy định sau ba tháng, sáu tháng. Đồng thời, tư vấn cho người được điều trị dự phòng về tác dụng phụ có thể có của ARV. Cụ thể, không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng, chuyển đến các cơ sở y tế ngay.

Trung tâm cũng đã tiến hành tư vấn về việc không được cho máu, nên quan hệ tình dục an toàn, thực hành tiêm chích an toàn, và không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Tư vấn để tiêm vắc xin viêm gan B nếu cá nhân đó chưa bị nhiễm vi rút viêm gan B.

Cần làm gì khi bị nghi phơi nhiễm HIV

Bộ Y tế đã có nội dung rất cụ thể hướng dẫn cách dự phòng sau khi phơi nhiễm HIV trong Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS (Ban hành kèm theo Quyết định số 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 của Bộ trưởng Y tế).

Theo đó, phơi nhiễm với HIV là tình huống xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Phơi nhiễm với HIV do tai nạn nghề nghiệp thường xảy ra ở những người làm nghề y do bị kim đâm khi làm thủ thuật, tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, vết thương do dao mổ và các dụng cụ y tế sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh gây tổn thương. Phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp cũng còn gặp ở một số ngành như công an, quân đội... khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm.

Phơi nhiễm với HIV không do nghề nghiệp là những trường hợp phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể có khả năng làm lây nhiễm HIV không liên quan đến nghề nghiệp. Những trường hợp này thường gặp ngoài cộng đồng như quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị vỡ, rách hoặc bị cưỡng dâm; sử dụng chung bơm kim tiêm với người nghiện chích ma tuý; vết thương do đâm phải kim hoặc các vật sắc nhọn vứt ra các khu vực công cộng và có dính máu nhìn thấy được, thậm chí là vết thương do người nghi nhiễm HIV cắn gây chảy máu…

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cục Phòng chống HIV/AIDS một lần nữa nhấn mạnh với người dân về quy trình xử trí sau phơi nhiễm HIV. Theo đó, xử lý khi phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp theo quy trình: Xử lý vết thương tại chỗ bằng cách rửa ngay vết thương dưới vòi nước, nếu vết thương chảy máu, để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt phải rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua mũi, miệng cũng phải rửa mũi hoặc xúc miệng bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần. Sau đó, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc để xác định phơi nhiễm đó có nguy cơ hay không có nguy cơ giúp việc quyết định điều trị ARV; đồng thời có tư vấn cho người có nguy cơ…

Xử lý khi phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp bằng cách đánh giá về tình trạng nhiễm HIV; phạm vi, tần suất và thời gian có nguy cơ phơi nhiễm; nhiễm HIV của nguồn lây nhiễm. Tiến hành các xét nghiệm ban đầu của người gây phơi nhiễm cho người gây phơi nhiễm nếu chưa biết tình trạng nhiễm HIV và tiến hành điều trị dự phòng bằng thuốc ARV nếu thấy cần thiết.

Theo Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh, chỉ điều trị ARV cho người phơi nhiễm đường niêm mạc hoặc đường máu (phơi nhiễm đường tình dục, bắn vào mắt, mũi hoặc miệng) với các dịch cơ thể có nguy cơ gây lây nhiễm HIV như máu, nước bọt dính máu, sữa mẹ, dịch tiết sinh dục, dịch não tủy, dịch ối, dịch trực tràng, dịch màng bụng, dịch khớp, dịch màng ngoài tim hoặc dịch màng phổi. Thời gian điều trị dự phòng sau phơi nhiễm nên được bắt đầu càng sớm càng tốt cho tất cả đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Quá trình điều trị có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Cũng theo ông Cảnh, không chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm cho các trường hợp người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV; Nguồn gây phơi nhiễm được khẳng định là HIV âm tính; Phơi nhiễm với các dịch cơ thể không có nguy cơ lây nhiễm đáng kể như nước mắt, dịch nước bọt không dính máu, nước tiểu và mồ hôi.

Thiên Lam (Nhân Dân)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn