Đằng sau việc thanh tra xây dựng vòi tiền

Cập nhật ngày: 21/06/2019 15:52:13

Mấy ngày qua, dư luận bức xúc về vụ Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang đang nhận tiền hối lộ từ các đối tượng bị thanh tra, sau đó bị tạm giữ.

Sự việc gây phẫn nộ, không chỉ vì người có trách nhiệm thanh tra, giám sát công vụ ở đơn vị có chức năng chống tham nhũng, lại đi đòi tiền của đối tượng bị giám sát, mà còn bởi sự việc diễn ra quá nhanh, chỉ vài giờ sau cuộc họp công bố quyết định thanh tra. Thay vì kết luận vi phạm và kiến nghị thanh tra để xử lý, thì cán bộ thanh tra lại “ra giá”, mặc cả và sẵn sàng ăn chia với phía vi phạm. Điều này cho thấy tư duy “lợi ích nhóm” và sẵn sàng “bảo kê” tiêu cực đã có sẵn trong tâm thế của cán bộ có trách nhiệm trong đoàn thanh tra này. Sự việc này cũng phần nào lý giải vì sao có tình trạng “phạt cho tồn tại” nhức nhối lâu nay.

Việc thanh tra xây dựng vòi tiền để không giảm trừ khối lượng xây dựng khai khống của đơn vị triển khai dự án có thể coi là hành vi bảo kê tham nhũng, là đồng phạm tham nhũng, là tham nhũng của tham nhũng…?! Hành vi này không chỉ làm giảm sút lòng tin của người dân vào hoạt động thanh tra, mà còn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, là một trong các lý do giải thích vì sao tiêu cực trong quản lý nhà nước nói chung, trong quản lý xây dựng nói riêng, không giảm bớt, mà còn tiếp tục kéo dài, gia tăng quy mô và với cách thức vừa trắng trợn, vừa tinh vi hơn.

Tinh thần chống tham nhũng không có “vùng cấm” đang hết sức quyết liệt, làm nức lòng người dân và đại đa số cán bộ đảng viên. Vậy mà sự việc cán bộ thanh tra vòi tiền vẫn diễn ra ở địa phương ngay sát Thủ đô cho thấy, dường như cuộc chiến chống tham nhũng chưa thật sự chuyển động sâu vào đời sống xã hội ở các địa phương; và chưa đủ sức răn đe những cán bộ ở lĩnh vực dễ tham nhũng, trục lợi. Điều này cho thấy chỉ đạo của Đảng, Nhà nước khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” luôn luôn có tính thời sự.

Đằng sau sự việc nêu trên còn cho thấy, đâu đó đã và đang tồn tại kẽ hở nghiêm trọng của quy trình và chất lượng công tác cán bộ. Cán bộ mới được bổ nhiệm đã vi phạm pháp luật phải chăng là do chất lượng cán bộ được bổ nhiệm quá kém; hay do áp lực người đó phải “hoàn vốn bôi trơn” và “đầu tư” trong quy trình để trở thành ‘“quan thanh tra”?!

Dù là với lý do gì chăng nữa, cần rà soát lại quy trình và chất lượng công tác cán bộ; quy trình phân công nhiệm vụ và công tác kiểm soát nội bộ hoạt động thanh tra, kiểm tra ở các đơn vị chức năng. Ngoài ra, cần coi trọng công khai, minh bạch và sự giám sát của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước để không lặp lại những sự việc đau xót, đáng lên án, để từ đó rút ra những bài học nghiêm túc về công tác cán bộ, về kiểm soát chặt chẽ quyền lực nêu trên. Người dân đòi hỏi và cũng tin tưởng hơn sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV tại TP Hải Phòng sáng 16-6. Chính phủ đã yêu cầu xử lý nghiêm một số cán bộ của Bộ Xây dựng xuống làm việc tại Vĩnh Phúc có vi phạm. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu cán bộ thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống tham nhũng, có sự giám sát của nhân dân.

Theo NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn