Hàng loạt tình tiết bất ngờ trong phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm chín người chết

Cập nhật ngày: 22/05/2018 15:32:02

Phiên tòa sơ thẩm xét xử ba bị cáo liên quan sự cố y khoa làm chín người chết tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đang được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày gần đây. Trong suốt quá trình xét xử, nhiều tình tiết bất ngờ đã được tiết lộ từ những lời khai của các bị cáo và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.


Bị cáo Hoàng Công Lương rời phòng xét xử chiều 21/5

* Ngày 15/5, nguyên Giám đốc Trương Quý Dương vắng mặt

Mặc dù tòa đã triệu tập ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, nhưng ông Dương đã vắng mặt. Được biết, ông Dương đã đi nước ngoài thăm con gái từ ngày 3/4/2018.

Luật sư đề nghị triệu tập ông Dương để làm rõ việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác chung của bệnh viện, trong đó có việc sửa chữa, mua sắm vật tư y tế của Khoa Hồi sức tích cực và đơn nguyên Thận nhân tạo. Sự vắng mặt của ông Dương sẽ gây khó khăn trong việc làm sáng tỏ nhiều tình tiết quan trọng.

Luật sư đề nghị đại diện cho Công ty Thiên Sơn là Giám đốc Đỗ Anh Tuấn, người đã ký hợp đồng với ông Dương. Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết, đối với yêu cầu triệu tập một số cá nhân như ông Dương, ông Tuấn, tòa đã triệu tập lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt. Tòa sẽ xem xét việc vắng mặt này và giải quyết để làm rõ các tình tiết liên quan trong quá trình xét xử.

* Ngày 16/5, bị cáo Trần Văn Sơn thừa nhận sau khi sự cố xảy ra mới lập các biên bản để hoàn thành thủ tục

Bị cáo Sơn, cán bộ Phòng vật tư thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình khai, sau khi xảy ra sự cố chạy thận khiến nhiều người tử vong, bị cáo này mới lập hai biên bản nhận và bàn giao hệ thống máy móc để hợp thức hóa quy định.

* Ngày 17/5, làm rõ nội dung trong cuốn sổ phân công nhiệm vụ

Nhiều câu hỏi được đưa ra nhằm làm rõ cuốn sổ giao ban cuối năm 2015 của Khoa Hồi sức tích cực, từ đó xác định việc bị cáo Hoàng Công Lương có được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo hay không.

Trả lời HĐXX về các câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bị cáo Lương, bị cáo Lương khẳng định không giữ chức vụ quản lý gì trong khoa cũng như đơn nguyên thận nhân tạo.

Trong quá trình điều tra vụ án, bị cáo Lương được cơ quan điều tra và viện kiểm sát đưa cho xem tờ khai của ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, về phần phân công nhiệm vụ đối với mình, tuy nhiên đọc qua thì thấy một số nội dung phân công không đúng với nhiệm vụ thực tế của bị cáo...

Bị cáo Lương trình bày, trong thời gian ở trại tạm giam có được điều tra viên đưa cho xem bằng bản chụp. Nội dung là bình bầu nhận xét cuối năm, trong đó có phần phân công nhiệm vụ cho bị cáo và một số đồng chí khác trong khoa. Tuy nhiên, về bình bầu nhận xét thì bị cáo có tham gia nhưng không nhớ phần phân công nhiệm vụ.

* Ngày 18/5, xuất hiện lời khai giống nhau

Luật sư đã đề nghị ông Bùi Tuấn Nghĩa, điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc lời khai của bị cáo Lương giống hệt với ông Khiếu.

Phát biểu ý kiến trước HĐXX, luật sư Chiến cho rằng, qua nghiên cứu lời khai của ông Khiếu và bị cáo Lương về phần phân công nhiệm vụ, thì hai đoạn hầu như là giống nhau, các luật sư gọi đó là “lời khai sinh đôi”. Cụ thể, ông Khiếu khai bác sĩ Lương phụ trách chuyên môn như: khám chữa bệnh, ra y lệnh, kiểm tra giám sát việc ra y lệnh của các bác sĩ khác, phối hợp quản lý với các điều dưỡng, quản lý các trang thiết bị, tài sản tại đơn nguyên thận nhân tạo. Lời khai của bác sĩ Lương cũng giống như vậy.

Luật sư Chiến hỏi, hai bản khai của hai người nhưng tại sao lại giống nhau như vậy? Điều tra viên Nghĩa cho biết, “Với lời khai của bị cáo Lương, quá trình hỏi cung hoàn toàn đúng trình tự pháp luật và khách quan. Việc giống nhau chỉ là ngẫu nhiên”.

Để tiếp tục làm rõ hơn về hai “lời khai sinh đôi ”, luật sư Chiến tiếp tục hỏi về việc điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp khai đã được điều tra viên cho xem cuốn sổ giao ban cuối năm 2015 bằng hình ảnh trên điện thoại, từ đó điều dưỡng viên Điệp khai bị cáo Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Điều dưỡng viên Điệp khẳng định có được điều tra viên Nghĩa cho xem cuốn sổ trên, nhưng ông Nghĩa đã phủ nhận điều này.

* Số nạn nhân tử vong là chín người

Cũng trong ngày 18/5, trước khi tham gia thẩm vấn các bị cáo, luật sư Nguyễn Hoàng Trung, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình tám nạn nhân tử vong xin có ý kiến. "Tôi xin đính chính là trong vụ án này, số nạn nhân tử vong vì tai biến chạy thận là chín người. Người vừa mới không qua khỏi là ông Phạm Ngọc Trung. Tôi đã đăng ký bổ sung là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân thứ chín và đã được HĐXX chấp thuận".

* Ngày 21/5 (sau hai ngày nghỉ), điều dưỡng trưởng khai, nhiệm vụ phân công được ghi thêm sau sự cố

Tại tòa, điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực Đinh Tiến Công bất ngờ khai đã ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bị cáo Lương sau khi sự cố đã xảy ra ở phần cuối biên bản của cuốn sổ họp giao ban cuối năm 2015.

Khi HĐXX hỏi ai là người chỉ đạo ghi thêm vào cuốn sổ giao ban nói trên, ông Công trả lời “việc này do Trưởng khoa và Phó khoa, tức là có sự thống nhất trong khoa”.

HĐXX hỏi tiếp, nội dung phần ghi thêm có trùng khớp với nội dung của cuộc họp giao ban khoa cuối năm 2015 không. Ông Công khai: “Không có phần phân công, nhưng không phải nguyên như vậy, tức là các Trưởng khoa còn phân công trong các cuộc họp giao ban khác, nhưng theo tôi được biết chỉ phân công bằng miệng còn không rõ có hình thức khác không”.

Ông Công cho biết thêm, đó là biên bản trong cuốn sổ giao ban nói trên thời điểm bị ghi thêm phần phân công nhiệm vụ chưa có chữ ký của ai, sau khi hoàn thiện mới có chữ ký của lãnh đạo khoa.

* Người nhà người bệnh

Tại tòa, HĐXX lần lượt hỏi đại diện ủy quyền của gia đình các nạn nhân tử vong. Ngoài việc yêu cầu việc BVĐK tỉnh Hòa Bình bồi thường thiệt hại sau khi người thân gặp nạn, tất cả người thân, gia đình nạn nhân đều đề nghị HĐXX tuyên bị cáo bác sĩ Lương vô tội. Ngoài ra, hai bị cáo Quốc và Sơn được đề nghị giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Qua năm ngày xét xử, cuốn sổ ghi nội dung cuộc họp giao ban cuối năm 2015 được xem là mấu chốt quan trọng đối với bị cáo Lương, bởi nó là căn cứ liên quan đến trách nhiệm được phân công nhiệm vụ tại đơn nguyên thận nhân tạo, nơi đã xảy ra sự cố y khoa làm chín người tử vong ngày 29/5/2017.

* Phiên tòa dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 24/5/2018

Ba bị cáo bị đưa ra xét xử là: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, thường trú phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”; bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990, thường trú phường Hữu Nghị, TP.Hoà Bình), cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình và bị cáo Hoàng Công Lương (SN 1986, hộ khẩu thường trú Quốc Oai, Hà Nội, trú xã Sủ Ngòi, TP.Hoà Bình), bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình, cùng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

TRẦN HẢO (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn