“Kho báu nhỏ” của ông Ba Tấn

Cập nhật ngày: 25/02/2021 06:23:38

ĐTO - Nằm nép mình bên dốc cầu Ông Hộ trên tuyến đường ĐT 852, thư viện cộng đồng chú Ba Tấn được xem là địa chỉ quen thuộc của nhiều bạn đọc ở xã Tân Qui Tây, TP.Sa Đéc và các khu vực lân cận. Dù không qui mô như các thư viện ở trung tâm thành phố hay tỉnh lị, nhưng thư viện của ông Lê Văn Tấn (ông Ba Tấn) như một “kho báu nhỏ” ở vùng nông thôn, vô cùng ấm áp, luôn đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ...


Ông Lê Văn Tấn bên cạnh những độc giả nhí thân thương của mình

Góp sức ươm mầm cho những ước mơ

Những ngày đầu năm mới Tân Sửu, chúng tôi có dịp đến thăm thư viện nhỏ của chú Ba Tấn, thấy một khung cảnh rất dễ thương, vô cùng ngạc nhiên. Mấy em nhỏ độ chừng 9 - 12 tuổi vừa ngồi đọc sách vừa nhai mứt, chốc lát lại phì cười khi đọc đến đoạn truyện thích chí. Kế bên bàn đọc sách của mấy đứa nhỏ là hình ảnh một ông lão ngoài 70 tuổi đang cẩn thận xếp sách ngay ngắn vào giá, rồi thỉnh thoảng quay sang nhìn đám trẻ và lặng lẽ nở một nụ cười. Khung cảnh bình dị nhưng cũng lâu rồi tôi ít thấy mà thay vào đó là cảnh nhiều em bé dán mắt vào màn hình Ipad hay điện thoại thông minh để chơi game, lướt web...

Nhìn thấy chúng tôi, ông lão thủ thư cũng là chủ thư viện công cộng (ông Lê Văn Tấn, 71 tuổi) dừng ngay công việc, mời chúng tôi vào nhà rồi ông chặt ngay một trái dừa xiêm mát lạnh mời chúng tôi uống nước và trò chuyện. Ông Ba Tấn kể, mặc dù được thành lập chưa đầy 1 năm, nhưng thư viện đã trở thành điểm vui chơi giải trí quen thuộc của nhiều độc giả trong xóm. Bạn đọc của ông Ba có rất nhiều lứa tuổi, có những độc giả nhí chỉ mới bước vào lớp 3, còn độc giả lớn tuổi nhất cũng trạc tuổi gia chủ. Người đọc mỗi lứa tuổi sẽ thích những thể loại sách khác nhau. Tụi con nít thì bị cuốn hút bởi mấy thể loại truyện tranh, sách khoa học, còn mấy cụ trạc ngoài sáu mươi, bảy mươi tuổi thì yêu thích những quyển sách thiên về lịch sử hay truyện, tiểu thuyết dài kỳ...


Những lúc rảnh rỗi, chú Ba Tấn thường lấy những quyển sách trong “kho báu nhỏ” của mình để chiêm nghiệm

Khác những thư viện công lập hay thư viện ở các trường học, thư viện của ông Ba Tấn được đầu tư hoàn toàn từ nguồn vốn gia đình. Thư viện không chỉ là tâm nguyện của ông cụ 70 mà cũng là tâm huyết mà các con của ông muốn chia sẻ với cộng đồng. Để đầu tư cho thư viện nhỏ này, gia đình ông Ba Tấn đã chi trên 100 triệu đồng cải tạo phòng ốc, mua sắm trang thiết bị và hơn 1.000 đầu sách gồm nhiều thể loại. Ông Ba Tấn trầm ngâm: “Bây giờ xã hội phát triển, công nghệ cũng phát triển theo, cha mẹ thì lại không có nhiều thì giờ để ở bên con cái. Để tập trung công chuyện, kiếm tiền, nhiều bậc cha mẹ quăng cho mấy đứa nhỏ cái điện thoại thông minh. Giờ đi đến đâu, tôi cũng thấy mấy đứa nhỏ dán mắt vào điện thoại hay Ipad. Không biết tụi nhỏ có học thêm được điều gì từ đó không, chứ tôi thấy buông điện thoại ra mặt đứa nào cũng lơ ngơ, thiếu sức sống. Đó là lí do tôi mở cái thư viện này. Tôi muốn tụi nhỏ thấy rằng ngoài điện thoại thì những kiến thức trong sách cũng rất hay. Và, tôi hi vọng từ kiến thức đó sẽ góp phần giúp tụi nhỏ ươm mầm những giấc mơ lớn lao”.

Mặc dù diện tích thư viện chỉ gói gọn mấy chục thước vuông nhưng thư viện của chú Ba Tấn không thiếu sách gì, từ thể loại sách lịch sử, sách nghiên cứu, đến mấy quyển sách dạy kỹ năng sống, về các doanh nhân thế giới, truyện tranh... Dù là thư viện mi ni nhưng thật sự là một “kho tàng” ở vùng nông thôn. Điều đặc biệt khi đến thư viện này là không khí rất thoải mái và ấm cúng. Bạn đọc có thể đọc sách tại chỗ hoặc mượn về nhà mà không cần làm thẻ hay thế chấp gì, tất cả sách vở đều là miễn phí.

Là một trong những độc giả nhí quen thuộc của thư viện chú Ba Tấn, em Trần Trường Giang - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Tân Qui Tây, TP.Sa Đéc và em trai học lớp 3 cùng trường hầu như ngày nào cũng được ba mẹ đưa đến thư viện để đọc sách. Trong nhiều thể loại sách tại thư viện thì truyện tranh được 2 anh em Trường Giang yêu thích nhất. Em Trần Trường Giang chia sẻ: “Mẹ sợ mắt con bị cận nên mỗi ngày chỉ cho con xem điện thoại một chút thôi, chứ không cho coi nhiều. Mấy ngày không đi học ở nhà buồn hiu nên con thường lại thư viện của ông Ba đọc truyện tranh. Ở đây ngoài truyện tranh còn có nhiều sách dạy kỹ năng rất hay nên con rất thích. Em trai con cũng thích truyện tranh lắm nên chiều nào anh em con cũng lại đây đọc sách”.


Thư viện được bố trí thoáng đãng và ấm cúng, tạo cảm giác dễ chịu cho độc giả

Bươn chải để lo cái chữ chu toàn cho con

Không phải đợi đến 70 tuổi ông Ba Tấn mới trân quý tri thức từ sách mà ngay từ những năm tháng thanh xuân của mình, ông đã dồn hết tâm sức để lo cái chữ chu toàn cho các con. Lớn lên trong gia đình đông anh em lại là anh trai lớn nên chàng trai Lê Văn Tấn đã phải dừng việc học từ lớp 6 trường làng để phụ giúp kinh tế cho cha mẹ. Ông Tấn cưới vợ và có 6 người con (5 gái, 1 trai). Thời điểm đó vì nhà nghèo lại đông con nên cuộc sống của gia đình ông ba Tấn khá chật vật. Kinh tế gia đình có nhiều khó khăn, song vợ chồng ông Ba Tấn vẫn ý thức việc học là vô cùng quan trọng và tâm niệm chỉ có tri thức mới có thể giúp cuộc sống của gia đình ông khác hơn. “Những năm bôn ba mưu sinh, tôi hiểu được hết những thiệt thòi khi mình không được học hành đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, tôi quyết tâm dù giá nào tôi cũng phải lo cho mấy đứa con học hành”, ông Ba Tấn bộc bạch.

Để lo cho các con được học hành chu đáo, vợ chồng ông Tấn đã bươn chải với nhiều việc vất vả như: thợ cưa, bán mía, nấu đường cát... Nhưng có lẽ khoảng thời gian chật vật nhất với gia đình ông Tấn là khi 2 cô con gái lớn bước vào đại học. Ông Ba kể: “Mỗi lần mấy con điện thoại về là vợ chồng tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là vì nghe được tiếng tụi nhỏ sau những ngày nhớ thương con, nhưng lại lo vì không biết chạy tiền đâu để gửi lên cho các con. Mỗi lần con gọi về như thế là tôi hay nói câu: “Con đợi hai, ba bữa nữa nhe, ba mẹ sẽ gửi tiền lên”. Nói cho tụi nhỏ yên tâm chứ đào đâu ra tiền, rồi vợ tôi chạy đôn chạy đáo đi hỏi nợ gửi tiền lên Sài Gòn. Rồi tới thời điểm thắt ngặt nhất, vợ chồng tôi không thể nào xoay sở được tiền, phải bấm bụng bán 3 công đất hương hỏa để lo cho con ăn học. Dù đất không còn nhưng tôi vẫn rất mãn nguyện vì cuối cùng thì mấy đứa nhỏ cũng học hành thành đạt”.


Những quyển sách mới tinh và ý nghĩa được các mạnh thường quân gửi đến bạn đọc của thư viện cộng đồng chú Ba Tấn

Với sự hi sinh và quyết tâm đeo lấy con chữ, vợ chồng ông Tấn đã lo được cho các con học hành đàng hoàng. Hiện 6 người con của ông Ba đều tốt nghiệp đại học và đang công tác tại các công ty nước ngoài. Và, với những nỗ lực cho việc học, gia đình của ông Ba Tấn là một trong những gia đình hiếm hoi của xã Tân Qui Tây đạt được danh hiệu Dòng họ học tập.

Nhắc đến mô hình thư viện cộng đồng của gia đình ông Lê Văn Tấn, bà Trần Thị Kim Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Qui Tây, TP.Sa Đéc cho rằng, thư viện của gia đình chú Ba thật sự là một mô hình hay và có ý nghĩa. Thư viện này không những giúp người dân ở địa phương có một nơi để giải trí, cập nhật kiến thức mà thông qua đó góp phần lan tỏa nhiều hơn văn hóa đọc tại địa phương. Sắp tới, địa phương phối hợp với một số đơn vị, nhà tài trợ để vận động hỗ trợ nhiều đầu sách hơn về các thể loại như: sách nông nghiệp, sách khoa học kỹ thuật... để bà con tại địa phương đến tìm hiểu và tham khảo. Bên cạnh đó, đối với một số hoạt động cộng đồng có liên quan, địa phương cũng phối hợp với thư viện chú Ba Tấn để thực hiện. Địa phương mong muốn tạo được sức lan tỏa để ngày càng nhiều người dân biết và tìm đến thư viện này đọc sách nhiều hơn.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn