Cảm nhận tập thơ “Nắng đã vàng rồi” của Nguyễn Giang San

Cập nhật ngày: 10/10/2024 05:39:59

ĐTO -“Nắng đã vàng rồi” (NXB Hội Nhà văn, tháng 8/2024) là thi phẩm thứ 3 của cây bút thơ giàu bản sắc và thuộc hàng sung sức của Đồng Tháp - Nguyễn Giang San - giáo viên dạy Văn, Trường THPT TP Cao Lãnh, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp.

Tập thơ gồm 75 bài với đề tài phong phú, trải ra trên nhiều bình diện cuộc sống - thông qua cảm nhận của tác giả, cùng với tập hợp thể thơ đa dạng, trong đó, thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc đã được chăm chút một cách đặc biệt.

Cảm nhận thứ nhất về tập thơ, đây là một ấn phẩm đầy đặn, không chỉ về số lượng, mà hơn thế, còn về “tầng sâu” của từng bài thơ. Nói một cách cụ thể, trong 75 bài thơ, khó tìm ra một vài bài thuộc diện “nhạt tứ, ghép vần”, đưa vào tập cho có (dẫu có những bài, tứ không thật mới). Điều này chứng tỏ, tác giả đã khá dày công, không chỉ trong tiến trình sáng tạo mà còn ở khâu chọn lựa chất lượng từng bài thơ, khi quyết định cho in một ấn phẩm thi ca. Xin nêu vài dẫn chứng ngẫu nhiên:

Ngay bài lục bát đầu tiên, ta đã thấy một Nguyễn Giang San “vạm vỡ” trong ý tứ. Xưa nay, thơ viết về ruộng đồng, hạt lúa... thì nhiều, nhưng cách tiếp cận, khai thác lại có những trùng lặp, mòn nhạt. “Đi giữa đồng ruộng quê nhà” của Nguyễn Giang San, tuy tứ thơ không hoàn toàn mới, nhưng các ý khi triển khai thì như những phát hiện ban đầu: “Đi trên đồng ruộng quê nhà/Mới hay lòng đất cũng là lòng dân” hay: “Những hàng lúa đỡ vai nhau/Bông oằn hạt gọi xôn xao gió lùa” hoặc: “Gặp giữa vàng lúa xanh trời/Là trong trẻo những tiếng cười nhà nông”... Lật ngẫu nhiên một bài khác: “Có chiếc lá nào”. Cái tứ “tình bà cháu thiêng liêng” trong thơ không ít. Học sinh phổ thông một thời quá quen với “Bếp lửa” của Bằng Việt. Nhưng từ cái tứ này, Nguyễn Giang San đã có một bài thơ “đứng được” theo cách riêng, với những hình ảnh khá mới mẻ, khơi gợi: “Lại thèm nghe tiếng kẽo kẹt võng đưa phía sau nhà của nội/Mùa lạnh về rồi vườn ổi xạc xào run” hay: “Tóc nội bạc nhiều rồi mà sợi trắng cứ đầy thêm” hoặc: “Ba điện cho hay, mùa này nội thường đau nhức/Lũ mọt ở chân giường đã thôi nghiến gỗ nhiều đêm”... Ngẫu nhiên một bài khác - bài cuối cùng: “Yên”. Viết về sự yên, nhất là “tự an”, thơ xưa nay khá phổ biến, nhất là thơ cổ đại, cận đại với thể Đường luật. Bài lục bát của Nguyễn Giang San chọn tứ này, nhưng triển khai ý có cái đáng ghi nhận: “Kệ đi em những chòng chành/Tự ta đơm lấy nụ xanh cho mình” hay: “Úp rồi ngửa lại bàn tay/Phẳng phiu vuốt hết những cay đắng mùa” hoặc: “Tiếng cười nhẹ hẫng như bông/Sân si thả hết vào trong cõi thiền”...

Cảm nhận thứ hai là, cảm hứng sáng tạo và thi pháp chủ đạo hướng về thời gian và không gian nghệ thuật là một nét nổi trội của “Nắng đã vàng rồi”. Nguyễn Giang San viết về quê hương, đất nước, gia đình, danh nhân...; viết về trường lớp, biển đảo, phố chợ, chùa chiền, ruộng đồng, dòng sông, bão lũ...; viết về chiếu, sen, muối, ớt, sầu đâu, cà phê... và một số đề tài khác, tất cả đều được quy chiếu dưới ánh sáng của một thời gian và không gian nghệ thuật luôn chuyển động, biến thiên không ngừng nghỉ, nhưng xoay quanh một trục dọc dường như bất biến, tĩnh tại là tình người. Tôi cho rằng, ý tưởng nhân văn sâu xa của Nguyễn Giang San là: Cho dù thời gian đi qua và không trở lại, cho dù không gian có đổi thay thì tình người vẫn vĩnh hằng, thiêng liêng và là điểm tựa vô song để cuộc sống tiếp tục tồn tại, phát triển. Chỉ đọc tên hàng chục bài thơ thôi, ta đã thấy rõ cảm hứng chủ đạo này của tác giả. Ở đây chỉ nêu ví dụ (lược theo thứ tự mục lục sách): Về thời gian: “Vầng trăng tháng Bảy”; “Buổi sáng”; “Tháng Mười”; “Tản mạn tháng Tư”;... Về không gian (chỉ kể tên các bài thơ có địa danh ở Đồng Tháp): “Về Lai Vung”; “Châu Thành”; “Về Tháp Mười”; “Về Tam Nông đi anh”; “Thanh Bình”... Đó là chưa nhắc đến nhiều bài thơ đã kết hợp một cách hài hòa giữa thời gian và không gian có trong tập, nhất là những bài về Tết, chuyển mùa, về nắng mưa, sương gió... Và ngay trong những bài thơ, ngỡ như chỉ viết riêng về thời gian hay không gian nêu trên, cũng đã có sự hòa quyện, tương tác của 2 yếu tố này một cách vi diệu...

Cảm nhận thứ ba là, thơ Nguyễn Giang San đẹp theo cách khá “cổ điển”. Cũng có thể có người bảo rằng, trong thời đại 4.0, khi thơ hậu hiện đại... đang trở thành “mốt”, mà thơ anh chẳng thấy cách tân gì cả! Tôi lại nghĩ khác, dù thời nào, thơ hay là ở chính trong hồn cốt của nó, chứ không phải chạy theo các khuynh hướng “thời thượng”, câu khách, múa chữ... Đọc “Đếm ngón tay”, “Vườn nhớ” trước đây và bây giờ là “Nắng đã vàng rồi” của Nguyễn Giang San, tôi tin người đọc vẫn rất thích thú với giọng thơ “cổ điển” trong sự mềm mại, uyển chuyển của ý tứ, ngôn từ. Hoàn toàn không có sự lên gân, bí hiểm, thách đố, tục tĩu... trong thơ Nguyễn Giang San. Thơ anh dung dị trong câu chữ, đọc là cảm, là hiểu, là tiếp nhận rất chủ động. Trong trường đồng sáng tạo của tôi, ở đây, cũng xin nói thêm, trong tập thơ mới này, tác giả chọn đưa vào hơn một nửa là thể lục bát (47/75). Một tỷ lệ cao, nhưng đọc, ta không có cảm giác trùng lặp, nhàm chán mà ngược lại. Lục bát Nguyễn Giang San không thuộc “típ” thích cách tân (ý, nhịp...), tức vẫn chọn những hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ... vốn định hình trong kho tàng ca dao và vẫn chủ yếu sử dụng nhịp điệu chẵn quen thuộc (2/2; 2/4; 4/4...). Thảng hoặc, mới gặp trong lục bát của anh một thoáng “chẻ nhịp” vì hiệu quả nghệ thuật, kiểu: “Qua run rẩy/những chân thành đầu tiên”. Lục bát của Nguyễn Giang San đẹp theo lối ca dao và vẫn luôn hấp dẫn. Tôi cho rằng, sự đổi mới trong thơ Nguyễn Giang San, nếu ta cố gọi tên cho được, chính là ở phẩm chất “cổ điển” đó!

Trong những dòng mang tư cách giới thiệu sách mới, xin nêu mấy cảm nhận ban đầu như thế. Sẽ có các cây bút chuyên lý luận - phê bình bàn sâu, chuẩn hơn về thơ Nguyễn Giang San nói chung và riêng tập “Nắng đã vàng rồi”. Với 3 tập thơ và những sáng tác khác làm bệ phóng, tin rằng, Nguyễn Giang San sẽ tiếp tục tỏa sáng và thăng hoa.

Tao Đàn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn