Cùng Cẩm Nhung "đi tìm bình yên"

Cập nhật ngày: 12/10/2023 05:11:50

ĐTO - Đây là tập thơ thứ 2 của nữ sĩ Cẩm Nhung, trên hành trình sáng tác bắt đầu từ 20 năm trước, khi tham gia câu lạc bộ sáng tác văn chương của Trường Đại học Đồng Tháp và đúng 10 năm chị trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp.

Như tập thơ trước (“Cảm ơn” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020), thơ Cẩm Nhung ở tập này vẫn vẹn nguyên chất giọng dịu dàng, thướt tha, mượt mà, dù viết theo thể lục bát truyền thống hay thể tự do phóng túng. Đây là giọng thơ không chỉ của một cây bút nữ đôn hậu mà hơn thế, chính là phong cách, tính cách của một nhà giáo dạy Văn, luôn lãng mạn, mộng mơ nhưng bao giờ cũng biết gắn với thực tiễn, thực tại.

Bốn mươi bài thơ trong “Đi tìm bình yên” như là bốn mươi khúc quanh nhỏ (hay bốn mươi trạm dừng) trên con đường tác giả khám phá, chiêm nghiệm, tìm ra những chốn, những góc bình yên cho chính mình và có thể cho cả mọi người... Những khúc quanh nhỏ (hay trạm dừng) ấy chính là tình yêu với quê hương và cảnh vật, với gia đình và mẹ, với mái trường và đồng nghiệp..., nhưng nồng nàn và đậm đặc nhất là tình yêu với “nhân vật anh” - người tình và bạn đời của nữ sĩ. Bốn mưới bài thơ mà có hơn một nửa (23 bài) viết trực tiếp hay nhắc đến “nhân vật anh”, quả thật, không ai, không nơi đâu mang đến “bình yên” cho Cẩm Nhung bằng địa chỉ này!.

“Nhân vật anh” không chỉ xuất hiện trong câu chuyện đổi xe rất dung dị, dễ thương và rất đời, từ cái nhìn thấm đẫm u - mua (humour) của tác giả:

“Anh cứ giục đổi cho em xe mới

Em dỗ dành thôi mình gắng đợi

Đợi chừng nào nhà dư giả tí

Cùng lên đời mình đổi Camry”

Mà còn hiện lên hết sức chân thành, thắm thiết trong quan niệm “cho em vừa đủ” vô cùng thức thời, hiện đại:

“Cho em vừa đủ dịu dàng

Mái nhà vừa đủ rộn ràng trẻ thơ

Cho em vừa đủ mộng mơ

Trái tim vừa đủ dại khờ vì ai”

“Đi tìm bình yên” chính là mãi mãi đi tìm tình yêu, hạnh phúc đích thực, đi tìm sự cảm thông, chia sẻ có thật nơi người tình - người bạn đời của mình và luôn thổn thức một câu hỏi:

“Bình yên nào

                       từ phía không anh”

“Đi tìm bình yên” là tự mình đi tìm nét thủy chung “đặc sản”, không ai có, không chia cho ai: 

“Tết là Tết của muôn nhà

Riêng em xin mãi được là Tết anh”

“Đi tìm bình yên” là đằm mình một cách chủ động trong nỗi ghen vô cớ nhưng không hiếm khi hiện hữu - nỗi ghen vì yêu, vì sự chiếm hữu vốn có, lặng lẽ và vô cùng dễ thương:

“Vô duyên vô cớ bỗng nghe chột dạ

Khi ai đó vô tình

Nhắc tên anh”

“Đi tìm bình yên” là đắm mình giữa trầm luân “bể khổ” tình yêu - nơi em là “trái cấm”, anh thì “say hoang”. Cái “bể khổ” ấy, chính là chốn ta nguyện theo về:

“Em ngoan như trái cấm

Hồn nhiên giữa địa đàng

Ai biểu anh say hoang

Nguyện trầm luân bể khổ”

Tôi đọc không ít thơ của các nhà thơ nữ trong và ngoài tỉnh rồi nhận ra, Cẩm Nhung là một trong rất ít cây bút làm nhiều “thơ - về - chồng - mình”. Từ tập thơ đầu tay - “Cảm ơn” - cho đến tập thơ này, hình tượng “anh/chồng” được nữ sĩ chọn làm đề tài và nâng thành chủ đề, ý tưởng một cách đậm đặc, thường trực. Tín hiệu này nói lên 2 điều: Người bạn đời của Cẩm Nhung luôn là nguồn cảm hứng bất tận để chị sáng tạo, viết nên những vần thơ chân thành, xúc động;  Cẩm Nhung là một người phụ nữ chung thủy, sắt son, yêu chồng, yêu con, luôn biết vun vén hết mực cho hạnh phúc gia đình.

“Nhân vật anh” gần như thống trị tập thơ. Chỉ cần đọc những bài thơ viết về “anh”, độc giả sẽ nắm bắt một cách thấu suốt chủ đề thể hiện - ý tưởng nhân văn mà tác giả tiếp cận, gửi gắm ở đây. Có vẻ như tập thơ này là tiếng nói cụ thể, trực diện, với tần suất cao nhất về tình yêu Cẩm Nhung dành cho chồng mà ở tập trước, hiện lên chưa thật đậm?.

Cũng khác với tập thơ trước, “Đi tìm bình yên” còn chọn đưa vào những ca khúc phổ thơ của Cẩm Nhung, những bài cảm nhận hay bình thơ từ những cây bút thân quen trong và ngoài tỉnh, nét chân dung từ một họa sĩ thân thiết... như là thao tác minh họa, cộng hưởng, giúp tập thơ phong phú, đa dạng và giàu khơi gợi hơn. Vả chăng, phẩm chất “bình yên”cũng phần nào long lanh trong chính sự hòa quyện thân ái của thơ - nhạc - họa - lời động viên, tán thưởng...?. Theo Cẩm Nhung “bật mí” với tác giả bài viết nhỏ này thì tập thơ “Đi tìm bình yên” chính là món quà ý nghĩa mà nữ sĩ tự mừng sinh nhật tứ thập của mình - cái tuổi mà người ta thường lưu truyền mệnh đề được Khổng Tử nêu ra, không chỉ dành cho quân tử mà còn cho cả nữ nhi (trong thời đại bình đẳng giới hiện nay): “Tứ thập nhi bất hoặc” (bốn mươi tuổi là ngưỡng mà con người không còn nghi ngờ, lăn tăn bất cứ điều gì trên đời).

Quả thật, đã đến lúc khá chín muồi để Cẩm Nhung tự tin sống, khám phá, dâng hiến giữa/ cho cuộc đời, giữa/ cho thơ và giữa/ cho tình yêu, hạnh phúc của mình. Chắc chắn, sự “bình yên” mãi mãi lung linh trên cuộc đời và thi ca của nữ sĩ... Mấy dòng nhỏ và chút ít câu chuyện phía sau ấn phẩm, cũng như mong mỏi giới thiệu tập thơ với đông đảo độc giả yêu văn chương. Nào, chúng ta cùng Cẩm Nhung “Đi tìm bình yên”...

Thai Sắc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn