Đôi điều về 5 tập thơ đầu tay
Cập nhật ngày: 26/04/2021 09:53:52
Trong khoảng 3 năm 2018 - 2020, ở Đồng Tháp, liên tục xuất hiện những cuốn sách đầu tay của các hội viên trẻ thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp (trẻ với nghĩa: mới được kết nạp vào Hội trong khoảng mươi năm trở lại). Ở bài trước, 4 tập truyện ngắn đã được giới thiệu. Nay, xin giới thiệu tiếp về 5 tập thơ: Cất của Nguyễn Hòa Hiệp (2018); Về ngang lối thương của Lê Tấn Vũ (2019); Nhớ của Thanh Sen (2019); Em đâu chỉ nồng nàn của Siêu Thị Chiêu Linh (2020); Cảm ơn của Cẩm Nhung (2020). Cả 5 tập thơ đầu tay ấy, mỗi người một vẻ, tựu trung, đã trình làng khá rõ về chặng đường sáng tác dù chưa dài nhưng đã thu hái được ít nhiều trái ngọt của mỗi tác giả, đồng thời vẽ lên một cách ấn tượng gương mặt thơ trẻ nói chung của văn chương Đồng Tháp đương đại.
Về ngang lối thương của Lê Tấn Vũ gồm 80 bài thơ lục bát. Đây chắc chắn là thể thơ sở trường của tác giả này. Qua tác phẩm của anh, có thể thấy, dù còn những điều cần tranh luận về sự cách tân táo bạo và phá luật, Lê Tấn Vũ vẫn là một trong những người làm thơ ở Đồng Tháp có những trăn trở và thành công nhất định về thể thơ báu vật độc nhất vô nhị của Việt Nam này. Về ngang lối thương chia làm 3 phần: 1. Về cõi bình yên (52 bài): Chủ yếu thể hiện cảm xúc say đắm và lòng yêu thương thiết tha của tác giả đối với quê hương Đồng Tháp qua những địa danh thân thuộc như: Lấp Vò, Cù lao Tây, sông Tiền, Ngã Sáu,Vĩnh Thạnh...; qua những sản vật làm nên đặc trưng một vùng đất như: quýt hồng, xoài, nhãn; bằng lăng, nhĩ cán tím, tràm, bần... 2. Khúc tình sen cho em (23 bài): Là chùm thơ Lê Tấn Vũ đặc tả về sen - biểu tượng đẹp của Đồng Tháp - Đất Sen hồng với cảm xúc tươi mới, đầy trân trọng, tự hào và thấm đẫm chiêm nghiệm: khúc sen thơm/xả sân si/môi cười nghìn nụ nhu mì giai nhân (Khúc sen thơm). 3. Hoa thơ gửi biển (5 bài): Chùm thơ như là một thông điệp mang tính thời sự về tình hình biển đảo đang rất nóng hiện nay. Chính vì vậy, nó tạo ra độ vênh nhất định về đề tài cũng như ít nhiều có sự mất cân đối trong bố cục tập thơ, giá tác giả để những bài thơ này cho một ấn phẩm khác thì Về ngang lối thương sẽ trọn vẹn, chỉn chu hơn.
Cất của Nguyễn Hòa Hiệp gồm 44 bài với đủ các thể thơ khác nhau như: lục bát, ngũ ngôn, lục ngôn, tự do..., trong đó có những bài chỉ có 4 dòng thơ. Tập thơ không tập trung vào một đề tài cụ thể nào mà trải ra trên nhiều bình diện khác nhau như: viết về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, lãnh tụ, lứa đôi...; viết về nghề giáo và nhà trường... Nhìn chung, thơ Nguyễn Hòa Hiệp trong Cất được diễn đạt một cách chân chất, hồn hậu, thuần phác. Tuy vậy, không vì thế mà không ít nhiều ánh lên tính triết lý, triết luận, giàu khơi gợi trong đây đó tập thơ. Điều này thể hiện khá rõ trong bài thơ lấy làm tên chung của cả tập: Tôi cất dòng sông/Từ thượng nguồn nhân cách/Chở cả bọ sâu mà ngậm ngùi im lặng/Ghé vào đâu cũng trong vắt mặt trời (Cất).
Cũng là một trong những cây bút khá thành công về lục bát nhưng Thanh Sen đã đưa vào Nhớ không chỉ có thể thơ này mà còn những thể thơ khác, ít nhiều làm nên sự phong phú, đa dạng cho tập thơ. Nhưng đậm nhất ở đây vẫn là chùm những bài thơ viết về quê hương Đồng Tháp với cảm xúc tươi rói của đứa con nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn. Chỉ nhìn loạt tên bài thơ lấy địa danh Đồng Tháp thôi, cũng ít nhiều cảm nhận rõ điều này: Cao Lãnh (6 bài); Lai Vung (2 bài); Tân Hồng (2 bài); Hồng Ngự; Lấp Vò; Sa Đéc, Tam Nông; Tháp Mười; Thanh Bình; Hòa An; Gáo Giồng... Có lẽ, với 72 bài thơ, Nhớ chính là những mảnh ghép, hay đúng hơn là những khoảnh khắc nhớ của Thanh Sen về cuộc đời hiện hữu với biết bao buồn vui, đắng ngọt, nhưng trên tất cả vẫn là niềm tin yêu ánh ỏi, chan hòa, khiến người đọc đồng cảm ngay với tác giả. Nỗi nhớ trong mỗi người được kích hoạt, lan tỏa, thăng hoa - một thoáng mà cũng là ngàn năm, vạn năm: Anh loay hoay tìm trong trầm tích nhớ vạn năm/Hạt bụi thuở hồng hoang có màu xanh của lá/Tan chảy giữa không gian tỷ vì sao xa lạ/Đón đợi em về từ khoảnh khắc nhớ ngàn năm (Nhớ).
Cũng với 72 bài thơ như Nhớ của Thanh Sen, nhưng Em đâu chỉ nồng nàn của Siêu Thị Chiêu Linh được chia thành 2 phần (em - những ngày thanh xuân cũ và và em đâu chỉ nồng nàn). Nếu Về ngang lối thương của Lê Tấn Vũ, lục bát 100% thì tập thơ này hoàn toàn không hề xuất hiện một bài thơ sáu tám nào. Khá lạ. Và lạ hơn cả, có lẽ đây là một trong ít tập thơ có chất giọng riêng: gân guốc mà mềm mại, đầy nữ tính nhưng không kém phần quyết liệt. Xét về phương diện đề tài, ngoài một số bài viết về mẹ, quê hương và tự vấn - thế sự, thơ Siêu Thị Chiêu Linh ở đây, chủ yếu nói về tình yêu đôi lứa (thuở son trẻ và khi đã lấy chồng). Riêng về mảng đề tài này, có thể nói, Siêu Thị Chiêu Linh là một giọng thơ đáng chú ý: biết làm mới, tạo nét riêng từ những mô - típ quen thuộc muôn thuở của tình yêu nhân loại. Cái mới, cái riêng đó của chị, trước hết toát lên từ khả năng phối hợp nhuần nhị giữa các phẩm chất: mạnh mẽ và yếu mềm, giá băng và nồng nàn, khước từ và tha thứ...: có những ngày em không muốn làm mình đau/kể cả làm đau cho người khác nữa/là con gái em rất cần điểm tựa/nhưng không cần lời hứa trôi xuôi (có những ngày em chỉ muốn bình yên).
Cảm ơn đời cho ta làm mẹ/Được làm mẹ để hiểu hơn lòng mẹ (Cảm ơn). Đó là những dòng thơ trong bài thơ lấy làm tên chung cho cả tập của Cẩm Nhung. Một triết lý siêu phàm được diễn đạt một cách bình dị, chân chất đến bất ngờ. Không ít bài thơ trong tập thơ Cảm ơn của Cẩm Nhung có cách triết luận mộc mạc nhưng sâu xa như thế. Với 60 bài thơ, nhìn chung, Cảm ơn là một giọng thơ dịu dàng, hồn hậu như chính con người và nghề nghiệp của tác giả. Cẩm Nhung viết thơ lục bát hay thơ tự do thì cũng chung một giọng điệu ấy. Viết về tình yêu lứa đôi hay tình yêu gia đình, tình yêu quê hương hay tình yêu nghề giáo... thì Cẩm Nhung cũng đều diễn đạt mượt mà, thướt tha như thế. Dù vậy, cần phải thấy, thơ Cẩm Nhung dịu dàng, chân chất nhưng không đơn giản, đơn điệu (như hai dòng thơ làm ví dụ ở trên).
Trong một bài giới thiệu trên báo với dung lượng ngắn, những điều nói trên chỉ là những phác họa, giúp phần nào nhận ra gương mặt riêng của các tác giả thơ trẻ Đồng Tháp hiện nay. Và hơn thế, qua sự giới thiệu này, người đọc ít nhiều hình dung được đội ngũ, thành tựu và sự phát triển của thơ Đồng Tháp trong chặng đường vừa qua.
Đó là tín hiệu rất đáng mừng và lấp lánh hy vọng.
THAI SẮC