Hơn cả “giáo trình” truyền thông
Cập nhật ngày: 23/08/2020 06:24:35
Hơn cả “giáo trình” cho sinh viên, người làm truyền thông, các chủ doanh nghiệp...“Truyền thông theo phong cách win-win” của Phạm Sông Thu, còn là cẩm nang cho nhà quản lý địa phương trong bối cảnh bùng nổ thông tin đa chiều, mà mỗi tài khoản mạng xã hội là một tòa soạn báo và mỗi chủ tài khoản đó là một tổng biên tập...
“Truyền thông theo phong trách win-win” (Truyền thông) do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2020, khổ 15,5 x 24cm, dầy 350 trang, đề cập đến 13 nội dung truyền thông: “Truyền thông khủng hoảng”; Truyền thông thương hiệu”; “Truyền thông xã hội”... Điều này được xem “quá khổ” trong bối cảnh xã hội đang hình thành thói quen... lướt web. Nhưng đọc Truyền thông, thật khó lòng dừng lại bởi sự hấp dẫn... Bố cục khoa học, văn phong chặt chẽ, tư duy hiện đại, hơn thế nữa Truyền thông còn mang đến cho bạn đọc chuyên môn mới mẻ, chưa có chuyên ngành đào tạo chính quy... Nổi bật nhất, mới nhất có lẽ là khái niệm truyền thông win- win. Đây là khái niệm mang hàm nghĩa: cùng chiến thắng, nhằm đảm bảo cho sự hợp tác bền vững. Nó nhân văn hơn cách xử lý “cũ” chỉ mang tính “chữa cháy”: để xử lý khủng hoảng, hoặc tìm cách ép nhẹm thông tin, hoặc tìm cách chạy chọt để gỡ tin bài... Hơn thế nữa, tác phẩm còn mang lại cho người đọc giá trị thực tiễn, được đúc kết từ sự trải nghiệm, lăn lộn và ghi chép cẩn thận của tác giả trong tư cách “người trong cuộc” thực tiễn đời sống báo chí trong, ngoài nước. Vì thế, rất thuyết phục khi Phạm Sông Thu đặt vai trò “không thể thay thế” của “nghề” xử lý khủng hoảng truyền thông trong bối cảnh bùng nổ thông tin: “Trong kỷ nguyên truyền thông tương tác, với quyền lực ngày càng gia tăng của mạng xã hội, doanh nghiệp, cơ quan phải đối mặt với một tình huống mà khủng hoảng luôn chực chờ trước cửa. Ở đó không chỉ có các tờ báo, kênh truyền hình, trang thông tin được Nhà nước cấp phép chính thức, mà càng ngày càng hiển hiện một xu thế đáng quan ngại của hàng triệu kênh thông tin cá nhân. Ở đó không có bộ máy vận hành chuyên nghiệp, không bị ràng buộc tuân thủ bất cứ một nguyên tắc báo chí nào, cũng không có chỉ đạo định hướng và nhất là không chịu trách nhiệm với bất cứ cơ quan quản lý nào ngoài chính các cá nhân sở hữu các kênh truyền thông đó” (tr 342). Truyền thông cũng mạnh dạn và thẳng thắn phân tích những sai lầm trong phương thức xử lý truyền thông theo cách cũ như: “khoán trắng” sứ mệnh quản trị khủng hoảng cho công ty truyền thông hay nhóm báo chí thân quen: “Các đơn vị này làm thời vụ theo hợp đồng hoặc từng dự án nên thường họ làm việc với báo chí, mạng xã hội... xử lý truyền thông theo kiểu “qua cầu rút ván” mà không thể đầu tư, xây dựng chiến lược nên mỗi khi khách hàng gặp khủng hoảng, họ chỉ biết vái lạy tứ phương” (tr 22). Và từ kinh nghiệm, trải nghiệm và chiêm nghiệm thực tiễn của người từng làm việc tại nhiều cơ quan báo chí (bút danh Thu Giang, Phạm Tấn...) cũng như nhiều năm làm truyền thông tại nhiều tập đoàn lớn (được biết qua danh xưng Tấn Lời)... Phạm Sông Thu đề xuất các giải pháp khả thi, dễ làm, mang lại hiệu quả. Thông qua lối phân tích về những câu chuyện có thật trong làng báo chí, mạng xã hội, doanh nghiệp, tác giả gợi mở cho người đọc cách tiếp cận, ứng phó với khủng hoảng truyền thông nên rất dễ hiểu, dễ vận dụng... Bên cạnh truyền đạt kỹ năng mềm về kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông như: xây dựng kịch bản ứng phó, viết thông cáo báo chí; cách viết tin, bài giải độc,... Phạm Sông Thu còn truyền cảm hứng, gợi mở hướng xử lý hợp lý nhất, hài hòa nhất để cả hai cùng chiến thắng như: Xây dựng mối quan hệ với báo chí trên cơ sở của sự chuyên nghiệp... Tuy nhiên, theo Phạm Sông Thu, không có một công thức, hay quy trình chuẩn nào cho mọi tình huống khủng hoảng, tùy từng loại hình, tính chất mà nhà quản trị truyền thông sẽ đưa ra kịch bản xử lý thích ứng. Để làm được điều này, người làm truyền thông phải rèn luyện, tích lũy cho mình kỹ năng đa dạng: vừa có được khả năng dự báo của “chuyên gia thời tiết”, vừa như “người lính cứu hỏa”, sẵn sàng đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất trong thời gian nhanh nhất. Do vậy, bên cạnh đam mê, cần phải có tư duy sáng tạo và không ngừng trau dồi trong môi trường thực tiễn để hoàn thiện mình. Theo đó, theo Phạm Sông Thu, quan trọng nhất là khâu nuôi dưỡng mối quan hệ: “Thức ăn của người làm truyền thông là thông tin, nên khi có thông tin được cho là cần thiết với báo chí thì đừng ngại cung cấp cho họ. Ngay cả khi bạn không sở hữu nguồn tin, nhưng có thể là sợi dây liên kết giữa báo chí và nguồn tin thì cũng đừng ngại kết nối họ với nhau” (tr 272).
Vì thế, theo Phạm Sông Thu, người làm truyền thông có khi chỉ như một thành viên trong dàn nhạc, nhưng cũng có lúc sẽ đóng vai trò của người nhạc trưởng. Bởi không chỉ đề xuất chiến lược ứng phó khủng hoảng, mà còn tạo cho đơn vị, công ty một hình ảnh đẹp, lành mạnh cùng những cam kết làm ăn lâu dài với đối tác” (tr 341). Vì thế trong bối cảnh bùng bổ thông tin hiện nay, Truyền thông rất cần cho cả sinh viên, người làm công tác truyền thông và cả những người làm quản lý nhà nước.
Lục Tùng