Nặng một chữ tình...
Cập nhật ngày: 02/04/2018 10:11:09
Ngày 24 và 25/3/2018, chúng tôi-những đại diện cho môn sinh và thân hữu của Nhạc sư Vĩnh Bảo - tháp tùng Nhạc sư đi Cao Lãnh. Một chuyến đi đầy ý nghĩa và đượm mãi chữ tình...
Đối với chúng tôi thì đó là một chuyến đi, nhưng đối với Nhạc sư Vĩnh Bảo thì đó là một sự trở về. Nhạc sư sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, nay là TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vậy là đã gần 90 năm kể từ ngày thầy rời quê. Lần gần nhất thầy trở về chớp nhoáng thì cũng đã cách đây 45 năm. Thầy bắt đầu biết đờn khi mới lên 5 tuổi, tức là thầy đã chơi đờn hơn 95 năm. Và kể từ cái buổi rời quê ấy, cuộc đời thầy gắn chặt với nghiệp Đờn Cổ nhạc miền Nam (mà ngày nay chúng ta gọi là Đờn ca tài tử). Thầy bám trụ với Đờn ca tài tử trong nước. Thầy mang Đờn ca tài tử đi “du thuyết” ở nhiều nước trên thế giới. Thầy đờn thu đĩa Nhạc Tài tử lưu trữ tại trụ sở UNESCO ở Paris. Thầy được vinh danh tại hội thảo quốc tế về Dân tộc nhạc học tại Mỹ. Thầy được tặng thưởng Huân chương Văn học - Nghệ thuật hạng Sỹ Quan của nhà nước Pháp. Thầy được giải thưởng Phan Chu Trinh, giải thưởng Đào Tấn trong nước. Thầy được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Thầy được mệnh danh là “Đệ nhất danh cầm”. Thầy được dân trong nghề xem là “Tổ sống”. Giáo sư Trần Văn Khê thuở sanh tiền cũng gọi thầy là “Hậu Tổ” của Đờn ca tài tử miền Nam.
Và còn biết bao điều vinh quang nữa... Ấy vậy mà thầy vẫn quen nếp sống cặm cụi với nghề. Thầy chơi nhạc tài tử không phải để kiếm tiền mà là vì đam mê. Bởi thế, người Nhạc sỹ Vĩnh Bảo vun bồi nhạc tài tử một cách không kèn không trống vì thầy coi đó là bổn phận. Thầy theo lối sống ẩn dật của người xưa. Vì thế cách đây hơn 10 ngày, qua thông tin của cô Vũ Kim Anh - một người thân tín của thầy kể từ khi cô tham vấn thầy trong hồ sơ trình UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là Di sản của nhân loại - thì Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm tỉnh Đồng Tháp là ông Lê Minh Hoan mới hay còn có một “đứa con” của Đồng Tháp trứ danh nơi “xứ người” hiện đã hơn 100 tuổi và đang sinh sống tại TP.HCM. Thế là, ông Hoan lập tức tổ chức phái đoàn đích thân đến thăm thầy tại tư gia ở quận Bình Thạnh. Rồi ông Hoan ngỏ lời mời thầy về thăm Đồng Tháp. Theo lời ông Hoan, thì “thật là chuyện không tưởng” bởi thầy đã tuổi hơn 100, khó có thể vượt đường xa. Nhưng ôi thôi mừng vui khôn xiết: Nhạc sư đã nhận lời. Đúng 10 ngày sau, thì Nhạc sư Vĩnh Bảo và thân quyến đã có mặt tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Học trò thầy là kĩ sư Ngọc Ngôn lái xe 4 chỗ chở thầy. Anh Ngôn không dám chạy nhanh vì lo cho sức khỏe của thầy. Còn tôi thì ngồi bên cạnh thầy. Và suốt chặng đường về Cao Lãnh, ai có thể tin rằng một cụ ông 101 tuổi vẫn thao thao bất tuyệt kể với anh Ngôn và tôi chuyện về Nhạc tài tử hồi xưa ở miệt Cao Lãnh quê thầy. Dù khởi hành từ TP.HCM từ 7 giờ 30 phút sáng, nhưng khi tới nơi thì cũng trễ hơn dự định hàng tiếng đồng hồ. Xe chở thầy đến Hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp thì thấy các vị lãnh đạo tỉnh từ cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, đến lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành đã chờ sẵn từ lâu. Khi xe mở cửa, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đứng sẵn đưa tay dìu thầy bước xuống, còn các vị lãnh đạo khác và ngay cả nhân viên trong UBND tỉnh cũng giơ cao tay chào thầy. Trong hàng người tiếp đón, tôi nghe có tiếng vang lên: “Thầy ơi về tới nhà rồi”. Thú thật, tôi chợt thấy cay mắt và xúc động vô cùng. Đó không còn là cuộc đón tiếp “ngoại giao” nữa, mà hoàn toàn là cảnh con cháu đón người ông từ xa trở về...
Mọi người tiến về Hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp. Buổi “tái ngộ” bắt đầu. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan mở màn bằng bài phát biểu không cần giấy. Mà cũng đúng thôi bởi khi ấy mọi người có thể cảm nhận được là ông đang nói lên những lời từ tận đáy lòng. Ông Hoan bày tỏ sự ân hận, day dứt và đôi lần xin lỗi vì biết tin thầy quá muộn. Rồi buổi gặp gỡ dần trở nên thân tình như buổi nói chuyện giữa những người thân trong gia đình. Và không nhớ từ phút thứ mấy mà cách xưng hô “Thầy” và “Con” đã đường hoàng bước vào câu chuyện. Mọi người thích thú nghe thầy kể chuyện “đời xưa”, những kỉ niệm của thầy thời thơ ấu. Rồi bỗng nhiên khoảng cách tuổi tác, sự khác biệt thế hệ dần mờ nhạt. Thầy đang kể chuyện của hơn 90 năm trước mà thầy chợt hỏi các vị chính quyền địa phương: “Hông biết mấy chú còn nhớ hông?”. Trời ơi, người cao tuổi lắm trong số lãnh đạo địa phương có mặt cũng chỉ hơn 50 tuổi một chút. Cả hội trường phá lên cười thích thú mà thầy vẫn còn chưa hay và vẫn tiếp tục kể chuyện. Sau khi về tới Sài Gòn tôi có nhắc lại với thầy chuyện đó, thì thầy cười: “Thấy thân thiện như bạn bè nên tui quên”...
Buổi gặp gỡ vượt kế hoạch một tiếng đồng hồ. Trời tối rồi. Khi chúng tôi đưa thầy đến phim trường Đài Truyền hình Đồng Tháp thì đã hơn 19 giờ. Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan và lãnh đạo địa phương đã có mặt ở đó từ lâu và cùng dìu thầy vào. Cửa phim trường mở ra, mọi người dìu thầy bước vào: khán phòng đã chật kín người, và những tràng pháo tay vang lên đón thầy. Buổi giao lưu có quay hình bắt đầu, kéo dài hơn 180 phút. Chúng tôi thật vô cùng ngạc nhiên, bởi lẽ từ sáng sớm vượt đường dài về Đồng Tháp, cho tới lúc đến phim trường thì mọi người chưa bao giờ được đặt lưng lên giường để nghỉ ngơi. Tôi nhỏ hơn thầy 62 tuổi mà còn cảm thấy đã đuối rồi. Ấy vậy mà, buổi giao lưu bắt đầu, thầy bắt đầu nói chuyện Nhạc Tài tử và mọi người thấy thầy khỏe dần. Càng về sau thì thầy càng khỏe hơn, nói nhiều hơn, hăng hái hơn. Có anh bạn địa phương hỏi tôi: “Sau thầy khỏe thế?”. Tôi cười đáp: “Tại thầy mới dùng chất kích thích”. Anh bạn ngạc nhiên: “Thuốc hiệu gì vậy anh?”. Tôi biểu ảnh kề tai để tôi nói nhỏ. Ảnh thấy tôi ra vẻ bí mật nên vội kề tai. Tôi thỏ thẻ: “Thuốc kích thích của thầy tên là Đờn ca tài tử”. Anh bạn cười ngả nghiêng. Mà đúng là như vậy. Ở Sài Gòn, mỗi lần đờn ca tại nhà thầy thì thầy ngồi đờn liên tiếp mấy tiếng đồng hồ không mệt mỏi, đến khi bọn trẻ chúng tôi đã thấm mệt mà thầy vẫn còn muốn đờn...
Rồi khán phòng liên tiếp những tràng pháo tay và tiếng cười thích thú khi thầy kể về đời, về nhạc. Thầy nói chuyện có sức hút ghê lắm. Một câu chuyện mình đã nghe thầy kể rồi mà khi nghe lại vẫn thấy thích thú. Thầy lần lượt kêu học trò lên hòa đờn phục vụ khán giả. Học trò của thầy không chỉ có dân trong nghề, mà có rất nhiều người là dân ngoài nghề, là bác sỹ, kĩ sư, doanh nhân, hay làm giảng viên như tôi. Trong buổi giao lưu, tôi cùng đạo diễn Huỳnh Tấn Phát ca bài vọng cổ Khúc nhạc đêm mưa với tiếng đờn của thầy, chú Văn Hai và chị Hải Phượng. Số là cách đây hơn 2 năm, khi tôi mới từ Pháp về nước, trong một đêm mưa, hay tin nhà thầy bị ngập lụt, thầy phải lên gác ngủ sớm, tôi cảm thán viết bài vọng cổ này ngay trong đêm đó. Ít lâu sau, nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân về nước, tôi cùng cô đã ca tại một phòng thu ở Sài Gòn để làm đĩa tặng thầy. Ngày ấy, tôi đâu thể ngờ rằng hôm nay lại được hân hạnh ca bài này trong buổi quê hương thầy tổ chức vinh danh thầy. Có lẽ đây là buổi diễn quý giá nhất trong đời tôi vậy.
Chương trình quay hình lại vượt khung vì mọi người vẫn thích thú với những câu chuyện của Thầy. Cuối buổi, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan lên sân khấu và xin một lần nữa bày tỏ lời xin lỗi và cảm thấy ái náy vì: Thầy đã được quốc tế khen thưởng, được nhiều giải lớn trong nước, đã có sự nghiệp đồ sộ làm rạng danh quê hương đến thế, mà Đồng Tháp thì chưa hay và chưa có động thái vinh danh thầy. Rồi câu chuyện thêm đượm chất tình khi thầy cầm mi-cro chậm rãi: “Dù đi đâu hay làm gì thì tôi luôn nhớ mình là người Cao Lãnh, người Đồng Tháp”.
Một đêm ngon giấc sau suốt một ngày “chiến đấu” ròng rã. Nghe con gái thầy là cô Thu Anh nói: “Đêm qua ba ngủ ngon lắm”. Mọi người hiểu rằng, đến tuổi trẻ còn mệt thì huống gì ở tuổi như thầy. Tôi thì lo là sáng hôm sau thầy sẽ mệt không đi tham quan được. Nhưng lạ thay, sáng hôm sau thầy vẫn như mọi người: cười tươi khỏe mạnh. Hành trình thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc - cụ thân sinh của Bác Hồ - bắt đầu. Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã có mặt trước ở đó đón đoàn. Tôi có thiện cảm và rất ấn tượng về vị Bí thư này. Trông ông Hoan rặt chất Nam bộ, phóng khoáng, hiếu khách, chu đáo và rất chân tình. Trong khuôn viên khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc hôm ấy, có chỗ quay phim cảnh thầy thăm mộ, xa đằng kia quay cảnh phỏng vấn tôi và chị Hải Phượng. Và tôi thấy Bí thư Lê Minh Hoan chạy chiếc honda tới lui mấy lần giữa các địa điểm để theo dõi công việc.
Rời mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, thầy được đưa đến thăm Đền thờ Ông Bà chủ chợ Cao Lãnh hồi xưa-một địa chỉ du lịch văn hóa của Đồng Tháp. Khi thầy tới nơi thì cũng đã thấy Bí thư Lê Minh Hoan có mặt ở đó trước rồi. Bí thư Hoan ra dìu thầy vào thăm đền. Mọi người được nghe thầy kể về Đền thờ ông bà chủ chợ cái thời hơn 90 năm trước. Thầy nhận ra ngay những vật dụng trong đền được bảo tồn từ thời thầy còn thơ ấu. Rồi những cái bắt tay, cái ôm hôn, những tiếng cười thân thiện vang lên. Không khí hết sức thân tình.
Bữa mời cơm cuối cùng để thầy về TP.Hồ Chí Minh là món đặc sản lẩu mắm. Xe tới quán lẩu mắm thì Bí thư Lê Minh Hoan cũng đã có mặt ở đó rồi. Các vị lãnh đạo tỉnh và của Đài Truyền hình Đồng Tháp cùng có mặt trong bữa ăn chia tay. Vài ly rượu quýt ấm lòng. Chủ nhà và khách chợt hòa ca tài tử đúng chất tài tử. Giờ chia tay rốt cuộc cũng vội đến. Bí thư Lê Minh Hoan tiễn chân thầy và mọi người đến tận cửa xe. Những cái bắt tay, những câu hẹn hò gặp lại, những nụ cười trong bịn rịn. Xe lăn bánh mà chủ nhà vẫn đứng đó nhìn theo vẫy tay chào. Người trên xe thì vấn vương khôn tả!
Và cho tới hiện tại, khi tôi viết nhưng dòng này, thì hình ảnh đầy ấp nghĩa tình đó vẫn như trước mặt tôi. Đồng Tháp đã đón thầy bằng cả tấm lòng trân trọng và tri ân. Bởi lẽ, nếu Đờn ca tài tử là là DI SẢN THẾ GIỚI, thì Nhạc sư Vĩnh Bảo là DI SẢN CỦA ĐỜN CA TÀI TỬ. Bởi lẽ, nếu Nhạc sư Vĩnh Bảo là BÁU VẬT QUỐC GIA, thì Nhạc sư phải là CẢ MỘT KHO BÁU CỦA TỈNH ĐỒNG THÁP. Đồng Tháp đã dành cho thầy cả tấm chân tình bởi thầy đã trao trọn chân tình cho Nhạc Tài tử Nam bộ. Bởi dù có vô thường, nhưng cuộc đời có một điều vẫn như là chân lý: Hễ chân tình thì sẽ được chân tình.
TP.HCM, ngày 26/3/2018
Tiến sỹ sử học Lê Hồng Phước