Những miệt vườn thấm đẫm nhân văn

Cập nhật ngày: 29/04/2019 17:40:03

Đã lâu, nhóm nhà báo chúng tôi mới có dịp trở lại thăm tỉnh Đồng Tháp, vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu của đất Chín Rồng, với kênh rạch dọc, ngang soi bóng những rặng xoài, nhãn, quýt..., đặc biệt là những ruộng sen trải dài ở nhiều huyện với mầu hồng mát mắt.

Đối với vùng sông nước mênh mang, quý biết bao những cây cầu bê-tông như cầu Cao Lãnh, mang dáng kiến trúc đẹp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, nối thành phố Cao Lãnh với huyện Lấp Vò - nơi sản xuất chủ yếu lúa gạo và hoa màu ở Đồng Tháp. Rồi vùng trồng cây kiểng nổi tiếng Sa Đéc, quanh năm thu hút khách du lịch thập phương. Ngoài hai dòng sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, còn có hàng chục sông nhỏ chạy dọc ngang trong tỉnh, mang cái tên thân thương: Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng, Sa Đéc, Sở Thượng, Sở Hạ, Cần Lố, Cái Bèo…, mà thời kháng Pháp, kháng Mỹ đã là những nơi vùi xác bao tàu giặc, làm rạng danh Chiến khu Đồng Tháp Mười lịch sử! Bỗng dưng, tôi nhớ đến câu thơ tài hoa của nhà thơ Bế Kiến Quốc: “Sinh ở đâu, mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông”.

Một buổi sinh hoạt tại Thuận Tân Hội quán. Ảnh: Hữu Nghĩa

Đúng vậy, hôm nay bên dòng sông Tiền vào buổi chiều cuối mùa khô, nắng như thiêu như đốt, chúng tôi được thăm hội quán Tâm Quê và hội quán Thuận Tân thuộc xã Tân Thuận Tây, ngoại ô thành phố Cao Lãnh. Thật may mắn, đúng lịch sinh hoạt thường kỳ, các thành viên có mặt hầu như đông đủ: già, trẻ, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... với nét mặt rạng rỡ, ngồi quây quần bên những bàn trà trong ngôi nhà thoáng mát, chung quanh là những hàng xoài mướt xanh tỏa bóng. Tôi thật sự ngạc nhiên, thay lời thuyết minh của chủ tọa là một vi-đê-ô chiếu lên màn ảnh cỡ rộng về kinh nghiệm làm một hố phân hữu cơ để bón cho xoài và các loại cây trồng khác. Hiểu ý chúng tôi, ban chủ nhiệm lại cho xem bộ phim ngắn về sự ra đời và phát triển của các hội quán mà qua hơn hai năm, toàn tỉnh đã có 70 mô hình, từ kinh nghiệm những hộ trồng xoài, đã thu hút các hộ trồng nhãn, trồng cây kiểng, trồng lúa sạch, nuôi cá, vịt, phát triển du lịch, các làng nghề... tự nguyện đến với nhau sẻ chia kinh nghiệm, giúp nhau áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao mức thu nhập trên một héc-ta trồng cấy cũng như tăng thêm thu nhập từ các loại hình dịch vụ...

Tại Hội nghị tổng kết ba năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh vào cuối năm 2018, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường coi mô hình hội quán là một trong năm điểm sáng trong quá trình triển khai Đề án. Dịp về làm việc với tỉnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ghé thăm một vài hội quán, đã biểu dương và nhắc nhở cần tổng kết kinh nghiệm để nhân rộng mô hình làm ăn có sức tập hợp, phát huy công sức và trí tuệ của người nông dân đang tự giác thực hiện vai trò người làm chủ xóm thôn, đồng ruộng. Bỗng tôi nhớ lời Lê-nin nói về nông dân sau ngày giành chính quyền: “hãy để họ suy ngẫm trên luống cày của họ”. Không gì có sức thuyết phục họ bằng những việc mắt thấy, tai nghe; và một khi họ thấy thiết thân với đời sống hằng ngày thì tự họ “xắn tay vào cuộc” với tất cả trí tuệ và bầu nhiệt huyết. Ở Đồng Tháp, thực tiễn qua ba năm thực hiện chủ trương “Liên kết - Hợp tác - Thị trường”, đã cho kết quả nổi bật là giảm chi phí (thí dụ: giảm 601 đồng/kg lúa) và tăng chất lượng rõ rệt trên một héc-ta canh tác, như thu nhập của người trồng hoa đạt mức trung bình 150 triệu đồng/ha/năm; trồng kiểng 400 triệu đồng/ha/năm; các đơn vị sản xuất cá tra, nuôi vịt... đều tăng thu nhập gấp đôi so với khi chưa tái cơ cấu. Từ thực tế ấy, đã và đang tạo sự đồng thuận xã hội rộng lớn giữa nông dân, doanh nghiệp, hệ thống chính trị, một khi đã xem trọng chất lượng nông sản, lợi nhuận, giá thành hơn là chỉ liệt kê năng suất, sản lượng. Có thể coi đấy là cuộc “cách mạng về tư duy” trong sản xuất; nhờ vậy, tốc độ dịch chuyển lao động từ nông nghiệp trong toàn tỉnh diễn ra nhanh chóng, từ chỗ có đến 69%, nay còn 53% trong tổng lao động xã hội…

Xoài Cao Lãnh được trưng bày bắt mắt tại một hội quán. Ảnh: Hữu Nghĩa

Trờ lại câu chuyện “hội quán” buổi đầu, chúng tôi cũng chia sẻ băn khoăn của một số người: trong nông thôn đã có “hội nông dân” rồi, cần gì lập “hội quán” cho chồng chéo? Nhưng khi hoạt động đem lại kết quả thì có người lại đặt vấn đề: lập ra thì dễ đấy, nhưng duy trì nó bằng cách nào? Ai dũng cảm đảm đương cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”? Rồi “chín người mười ý”, có lúc làm phân tâm bà con... Nhưng rồi “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý” có sức cuốn hút người nông dân gắn bó với ruộng đồng, sông nước. Cái kết quả hữu hình là sự tăng thêm thu nhập cho mỗi hộ nông dân thì nhiều người dễ thấy, nhưng cái kết quả vô hình không kém phần quan trọng thì ít người nhận ra. Chúng tôi tâm đắc cách giải thích của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan: Hội quán ra đời là nhằm “canh tân” để mỗi người, mỗi nhà có điều kiện vươn lên, để thoát khỏi nếp nghĩ “đèn nhà ai nhà nấy rạng”; “ruộng nhà ai nhà nấy cấy”. Hội quán là để mọi người chung tay, hợp sức, làm cho khu vườn lớn hơn, có như vậy mới thoát cảnh sản xuất manh mún, tự phát; nuôi dưỡng ý thức cùng bảo nhau kinh nghiệm làm ăn, cùng hỗ trợ nhau cách làm hiệu quả. Bằng sinh hoạt hội quán, sáng lên ý thức “tối lửa tắt đèn có nhau”. Qua những câu chuyện đời thường, có thật, lời tâm sự của đồng chí Bí thư khiến nhiều người gật gù tán thưởng: “Từ chuyện phải mần ăn thế nào cho tử tế để trái cây mình làm ra không gây tổn thương sức khỏe cho người tiêu dùng. Rồi chuyện an ninh xã hội, các tệ nạn... đang len lỏi vào các làng quê vốn bình yên bao đời. Mỗi người, mỗi cộng đồng phải biết cách phòng thủ từ xa, và cùng suy nghĩ về các biện pháp phòng ngừa”. Đồng chí Bí thư nói trúng điều mà nhiều người từng tâm niệm: Không ai sống chỉ một mình. Bà con trồng nhãn thì phải ăn cơm - vậy là phụ thuộc người trồng lúa. Cuộc sống vừa cần cơm no, vừa cần áo mặc - vậy phải nghĩ đến người làm ra tấm vải. Và điều không thể thiếu khi cuộc sống vật chất tương đối đủ đầy, bà con lại cần nghe những buổi đờn ca tài tử - dấu kết nối lòng người, tình người ở nơi có hàng ngàn miệt vườn bên những kênh rạch đã tồn tại mấy trăm năm... Phương thức sinh hoạt của hội quán rất linh hoạt, tùy theo điều kiện từng lúc, từng nơi, từng giờ giấc do bà con tự thỏa thuận, phù hợp điều kiện thực tế, không ảnh hưởng xấu đến công việc thời vụ, chăm lo con cái... Đáng mừng là, trong nhiều buổi sinh hoạt này, có cả đại biểu cấp ủy, chính quyền và một số nhà doanh nghiệp nhằm lắng nghe ý kiến bà con để chọn phương thức liên kết, hỗ trợ sao cho đạt kết quả ngày càng thiết thực... Có nhà doanh nghiệp sau các buổi dự họp đã tâm sự một cách văn vẻ: “Xa nhau xa bóng xa hình/ Nhưng không xa được tâm tình cho nhau...”.

Trước khi về Đồng Tháp, tôi chăm chú xem tin thời sự nóng hổi trên truyền hình: lô hàng xoài xuất khẩu đầu tiên từ Đồng Tháp, sau một ngày bay, đã đến vùng Ca-li-pho-ni-a, nước Mỹ, được người tiêu dùng hào hứng đón nhận vì đây là loại xoài sạch với vị ngọt đậm và rất thơm. Cùng với xoài, nhãn, chôm chôm, bưởi da xanh… của đồng bằng sông Cửu Long đã và đang có mặt ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Nga, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân... Tin vui này làm bà con ở các hội quán trồng xoài nức lòng, hồ hởi. Chúng tôi chung vui cùng bà con buổi gặp mặt, chung vui với lãnh đạo Đồng Tháp khi bước sang năm 2019, đã có 70 hội quán, bao gồm nhiều mô hình các sản vật; đặc biệt từ câu chuyện “cây xoài nhà tôi” và cái nền “hội quán”, đã hình thành hai hợp tác xã nông nghiệp - đó là Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) và Hợp tác xã nhãn An Nhơn (huyện Châu Thành).

Rời Đồng Tháp, tôi nhớ mãi bài báo “Câu chuyện đốt lửa và giữ lửa” ký tên “Xích Lô” (một trong những bút danh của Bí thư Lê Minh Hoan) dẫn câu nổi tiếng của nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Na-dim Hik-mét: “Nếu anh không đốt lửa/ Nếu chúng ta không đốt lửa/ Thì làm sao biến bóng đêm thành bình minh rực rỡ?”. Và còn một câu nữa: “Thà thắp lên một ngọn nến, hơn là nguyền rủa bóng đêm!”. Đúng là những đốm lửa đã bùng lên từ tấm lòng, nghĩ suy của bà con ở nhiều miệt vườn bên sông nước Đồng Tháp thời cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy ai kết nối những đốm lửa ấy thành ngọn lửa rực sáng trên đất Sen Hồng này? Một trong những câu trả lời có sức lay động lòng người, mà tôi nghe được từ bài hát “Hò dô ta” của anh chủ nhiệm hội quán Minh Tâm: Tự chèo thuyền anh, dô ta; đừng ngồi không, khoanh tay, dô ta; chớ khóc than; chớ chau mày, dô ta; mà hãy tự chèo thuyền anh, dô ta...

Vâng, doanh nhân văn hóa dân tộc Nguyễn Trãi đã đúc kết chí lý: sức dân mạnh như nước; chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân!

BÚT KÝ CỦA NGUYỄN HỒNG VINH (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn