Những ngôi nhà ở làng Hòa An với cụ Nguyễn Sinh Sắc

Cập nhật ngày: 13/12/2017 11:43:13

Cách đây 100 năm, tại làng Hòa An, nhất là dọc theo con rạch Cái Tôm có rất nhiều ngôi nhà gắn với quãng đời hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Nhà của ông Lê Quang Hiển

Năm 1917, ông Lê Quang Hiển - cha vợ của ông Diệp Văn Kỳ, một điền chủ ở Cao Lãnh - mời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về nhà của ông chơi. Cụ Sắc ở tại nhà ông Hiển vài ngày rồi đến rạch Cái Tôm, làng Hòa An sống, hoạt động. Mặc dù chỉ ở một thời gian ngắn ngủi, nhưng có thể nói, ngôi nhà của ông Lê Quang Hiển là địa điểm đầu tiên lưu dấu chân cụ Sắc khi đến với vùng đất Cao Lãnh.

Nhà của ông Trần Bá Lê (Cả Nhì Ngưu)

Năm 1917, rời nhà ông Lê Quang Hiển, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến nhà ông Trần Bá Lê, tức Cả Nhì Ngưu (con trai của ông Trần Văn Long, người miền Trung vào Nam làm quan, có mối giao tình với cụ Sắc). Một thời gian ngắn, cụ Sắc ở hẳn trong nhà của ông Trần Bá Lê để dạy học và chăm sóc sức khỏe cho bà con trong vùng. Sau đó, ông Trần Bá Lê cho người dùng cau, tre, cất một ngôi nhà nhỏ trong đất của ông để cụ Sắc ở.

Địa điểm ngôi nhà ông Trần Bá Lê hiện nay là số nhà 317, tổ 3, ấp Hòa Lợi, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp. Hiện tại, con cháu của ông Trần Bá Lê đã cất lại nhà mới trên nền nhà cũ.

Nhân dịp Tết năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghé thăm gia đình con, cháu của ông Trần Bá Lê và chỉ đạo tỉnh Đồng Tháp tiến hành xây dựng bia lưu niệm, ghi dấu nơi dừng chân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại đây, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu cho nhân dân về tấm lòng yêu nước, quý trọng nhân tài của cụ Cả Nhì Ngưu.

Nhà ở của cụ Nguyễn Sinh Sắc (ông Trần Bá Lê cất)

Để thuận tiện cho cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh hoạt và hoạt động, ông Trần Bá Lê đã cho cất một căn nhà nhỏ cho cụ Sắc ở trong vườn nhà mình. Đây là ngôi nhà mà cụ Sắc thường sử dụng để coi mạch, kê toa, làm thuốc chữa bệnh cho nhân dân; là nơi cụ dạy chữ nho và nghề thuốc cho một số học trò như: Trương Tử Phòng, Võ Văn Chí, Nguyễn Văn Hướng... cũng là nơi cụ Sắc kết thâm giao với các nhà nho yêu nước. Cụ Nguyễn Sinh Sắc ở trong ngôi nhà này từ năm 1917 - 1920 thì đi nơi khác hoạt động.

Nhà ông Năm Giáo (Lê Văn Giáo)

Năm 1927, cụ Nguyễn Sinh Sắc trở lại Cao Lãnh lần thứ hai và quyết định gắn bó lâu dài với bà con Cao Lãnh. Cụ Sắc được bố trí ở trong nhà ông Năm Giáo. Khi cụ Sắc về sống tại nhà ông Năm Giáo, hằng ngày cụ đi bộ ra tiệm thuốc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh, xem mạch, kê toa trị bệnh cho bà con nhưng thực chất là để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân. Thỉnh thoảng cụ Sắc có khách đến bàn bạc, đặc biệt là các nhà yêu nước ở địa phương thường xuyên đàm đạo cùng cụ Sắc như: cụ Lê Chánh Đáng, Hương chủ Nguyễn Văn Sành...


Mô hình nhà ông Năm Giáo (tỷ lệ 1/1) tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc

Ngôi nhà của ông Năm Giáo là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc trút hơi thở cuối cùng vào đêm 26 rạng sáng ngày 27 tháng 10 năm 1929 và là nơi nhân dân tổ chức lễ tang, lập bàn thờ và cúng tuần thất cho cụ.

Ngày nay, trên nền nhà cũ, con cháu ông Năm Giáo đã cất lại căn nhà mới khang trang, kiên cố (số 113, Lê Văn Đáng, khóm 3, phường 4, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Nhà ông Nguyễn Văn Sành

Trong những lần cụ Nguyễn Sinh Sắc sống, hoạt động tại Cao Lãnh, cụ thường đến đàm đạo với ông Hương chủ Nguyễn Văn Sành. Trước lúc về sống ở nhà ông Năm Giáo, cụ Sắc đã ở nhà ông Hương chủ Sành vài tuần. Ngôi nhà hiện nay trở thành nhà cổ (vách và mặt trước của ngôi nhà đã được tu sửa lại) và những hiện vật cổ khi xưa đã từng ghi dấu của cụ Phó bảng hiện vẫn còn trong ngôi nhà. Địa chỉ hiện nay của ngôi nhà này là số 2, Lê Văn Đáng, khóm 3, phường 4, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.


Nhà ông Hương chủ Nguyễn Văn Sành ngày nay

Bên cạnh những ngôi nhà tiêu biểu vừa nêu, dọc theo con rạch Cái Tôm còn lại là những ngôi nhà mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thường lui tới giao lưu, đàm đạo như nhà ông Lê Chánh Đáng, nhà ông Bảy Mân, ông Hai Thiện, ông Sáu Tiểng... và rất nhiều những ngôi nhà khác đã một thời thân quen, dang tay che chở bảo bọc cụ Phó bảng.

Tình đất, tình người của làng Hòa An, Cao Lãnh được thể hiện qua những ngôi nhà gắn với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đó cũng là niềm tự hào của mỗi người dân Hòa An hôm nay về sự đóng góp cho công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông, từ đó càng quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Bảo Trân (Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn