Phản cảm hình ảnh trồng cây cổ thụ đầu xuân
Cập nhật ngày: 01/03/2018 07:16:46
Hàng chục con người áo quần chỉnh tề, đi giày bóng lộn, đứng xung quanh một cái cây cao hàng chục mét, rồi ra sức tưới tưới, vun vun…
Mùa xuân là Tết trồng cây. Lễ ra quân đầu năm mới sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Mậu Tuất được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chọn hình thức trồng cây. Đây là một việc làm rất ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp, cây xanh đô thị cũng vô cùng hạn chế khiến lá phổi xanh ngày càng trở nên quý giá.
Thế nhưng, những ngày qua, nhiều hình ảnh về Tết trồng cây được chia sẻ trên các trang báo, trang mạng xã hội cho thấy những điều rất phản cảm, có phần phô trương, hình thức, làm cho có phong trào chứ không đi vào thực chất.
Hình ảnh những cán bộ, công chức mặc quần áo comple, đeo cà vạt, đi giày da bóng lộn đứng dưới một gốc cây to, có cây cao gần bằng 2 tầng nhà để vun, để tưới… khiến ai cũng thấy thật trái mắt. Tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, nhưng xem ra, bây giờ thực tế đang đi ngược lại, bày vẽ thì lắm mà hiệu quả thì ít.
Còn nhớ, thời đi học cách nay 30 năm, năm nào nhà trường cũng kêu gọi học sinh, giáo viên tham gia trồng cây lấy bóng mát. Khi đó, không có vườn ươm cung cấp giống cây như bây giờ, mỗi học sinh tự tìm cây để trồng. Đứa thì cây nhãn, đứa thì cây xoài, cây lát, cây xoan… Được các anh chị lớp trên đào trước cho một cái hố, sau đó mang cây đến trồng. Hàng ngày đi học, mọi học sinh phải tự chăm sóc cây của mình cho đến khi cây cứng cáp, ăn rễ mới thôi. Nhiều hàng cây xanh hàng chục năm qua giờ đã thành những cây cổ thụ. Ví dụ như hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng đã gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ học trò ở Hà Nội.
Trở lại với câu chuyện trồng cây đầu xuân, một cháu bé nhìn thấy mấy bác đeo cà vạt, đi giày da đứng quanh một cái cây to thì thốt lên bảo: “Sao họ giỏi thế, trồng được cái cây cao hơn mình bao nhiêu”. Tôi chỉ biết lấp liếm bảo cháu: “Ừ, người to thì trồng cây to con ạ. Bây giờ công nghệ tiên tiến nên con người có thể trồng được cả cây cổ thụ ấy”. Vẫn biết, giải thích như vậy cho cháu thì chưa thoả đáng, nhưng không biết dùng từ nào để diễn tả đúng bản chất sự việc này để bộ óc non nớt kia có thể hiểu những người lớn kia đang làm gì.
Trồng cây cũng giống như trồng người. Mỗi cây xanh phải được chăm bón từ lúc còn nhỏ để nó có thể bám chặt vào đất, mới có thể chống chọi được với các trận mưa giông, gió giật. Thế nhưng, hình như thời buổi công nghiệp nên ai làm gì cũng muốn nhanh, muốn đốt cháy giai đoạn. Hệ quả dễ thấy nhất là cái cây cao lênh khênh kia có bộ rễ rất yếu nên chỉ cần một trận mưa gió hơi to là có thể bị đổ gục, gây nguy hiểm cho con người.
Hà Nội thời gian qua đã đốn hạ, di chuyển hàng nghìn cây xanh cổ thụ. Để di dời, chặt hạ những cái cây ấy, người ta phải dùng đến các phương tiện máy móc hiện đại. Còn mấy cái cây cao to lênh khênh, trơ trụi lá kia, nay trồng, mai nhổ nếu cần di chuyển thì chỉ cần “vèo một cái” là xong.
“Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy”. Người lớn làm ăn trí trá thì không thể dạy con trẻ trung thực được. Sự nghiệp trồng cây ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự nghiệp trồng người. Nếu thế hệ đi trước chỉ mải chạy theo thành tích, sáo rỗng thì sẽ ăn mòn hết nguồn sống của thế hệ sau, không dành cho con cháu được thứ gì bền vững, có tính kế thừa, giống như chúng ta đang xây dựng một lâu đài trên cát, rất dễ đổ sụp.
An Nhi/VOV