Văn hóa xin lỗi
Cập nhật ngày: 09/08/2019 10:46:11
ĐTO - Trong cuộc sống, không ai không một lần mắc sai lầm, có lỗi với người khác.
Xin lỗi về việc làm không đúng hoặc cảm thấy không đúng của mình với người khác là một trong những hành vi trong ứng xử của người với người.
Chuyện ông cụ người Nhật bị một tài xế xích lô “chặt chém” 2,9 triệu đồng trong chuyến đi khoảng 1km gây bức xúc dư luận xã hội. Theo Vietnamnet, tài xế xích lô đã bị công an tạm giữ hình sự để điều tra về tội cướp giật tài sản.
Vi phạm pháp luật, đồng thời làm xấu xí hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế phải bị xử lý.
Chắc rằng những người có tự trọng tối thiểu thấy xấu hổ về hành vi của tài xế xích lô, và càng xấu hổ hơn khi ông cụ du khách người Nhật lại xin lỗi sau khi vụ việc xảy ra vì không hỏi giá trước khi lên xe.
Trong bài “Nghệ thuật xin lỗi trong văn hóa xứ Phù Tang” của Nhất Tuệ trên tạp chí Hồ sơ Sự Kiện, tác giả viết: “Tại Nhật Bản, lời xin lỗi được thực hiện rất thường xuyên, có thể vang lên trước cửa ra vào, trên taxi, hay trong các nhà hàng, thậm chí thay cho một lời cảm ơn. Người Nhật cho rằng, đây là một hành động thể hiện sự lịch sự và lễ nghĩa trong văn hóa giao tiếp”.
Đó là chuyện văn hóa Nhật Bản.
Việt Nam tự hào có mấy nghìn năm lịch sử, có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xin lỗi khi bản thân làm việc không đúng hoặc cảm thấy không đúng, làm phiền người khác là một trong những yếu tố cấu thành văn hóa của dân tộc ta.
Theo Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội - 1994) “Xin lỗi” có nghĩa “Xin được tha thứ vì đã biết lỗi” và là “Công thức xã giao dùng để mở đầu lời nói khi có việc hỏi người lạ, làm phiền người khác”.
Xin lỗi được thể hiện bằng lời nói, như: xin lỗi, rất tiếc, hãy bỏ qua, xin tha thứ; hoặc bằng cử chỉ như quỳ gối, chắp tay, cúi đầu...
Hiện nay, chuyện xin lỗi trong giao tiếp vẫn là một nét đẹp phổ biến của người Việt; diễn ra từ những tổ ấm gia đình đến xóm giềng, cơ quan, nơi công cộng....
Một lời xin lỗi chân thành, dù muộn vẫn có thể hóa giải những hiểu lầm, va chạm, mâu thuẫn dẫn đến xung đột. Lời xin lỗi chân thành đó càng được đánh giá cao qua việc sửa chữa của người phạm lỗi.
Thực tế cho thấy, có người phạm trọng tội biết ăn năn, hối lỗi vẫn có thể nhận được lòng trắc ẩn, thứ tha của những người liên quan.
Tuy nhiên, vẫn có người cố chấp không nhận cái sai về mình, hoặc lời xin lỗi không chân thành, hay có ý chỉ trích... là nguyên nhân dẫn đến chuyện bé xé ra to.
Như chuyện chỉ va quẹt khi giao thông nhưng vì ai cũng nhận phần phải về mình dẫn đến vụ án hình sự; hay chỉ vì một câu nói không đúng do mất bình tĩnh, sau đó phủ nhận, bào chữa, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, mất nghĩa xóm tình làng, mất đoàn kết nội bộ cơ quan... không phải là chuyện hiếm.
Vẫn có trường hợp cán bộ, đảng viên dù đã bị cơ quan chức năng kết luận sai phạm nhưng vẫn lấp liếm, ngụy biện.
Vẫn có tình trạng dù cấp dưới có lời nói, việc làm không sai nhưng vẫn phải xin lỗi cấp trên vì lời nói, việc làm đó không được cấp trên hài lòng. Hậu quả, cấp trên sai lại càng sai, lại liên quan cấp dưới.
Từ chuyện xin lỗi người khác trong giao tiếp, lại nhớ đến chuyện tự phê bình và phê bình của Đảng ta.
Tự phê bình là nêu lên những ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức đảng, của đảng viên, từ đó đề ra biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.
Nếu so với ý nghĩa của việc xin lỗi, thì việc tổ chức đảng và đảng viên tự nhận khuyết điểm và đề ra biện pháp khắc phục là lời xin lỗi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Cả cuộc đời vì nước, vì dân, trong Di chúc, Bác viết: “Chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Cho thấy, xin lỗi người khác một cách chân thành, dù muộn và khắc phục lỗi lầm là thực hiện văn hóa xin lỗi của người Việt. Tổ chức đảng, đảng viên thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm, có biện pháp khắc phục không chỉ là thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng mà còn là thể hiện văn hóa xin lỗi.
Hữu Ý