Chợ xứ mình

Cập nhật ngày: 11/04/2016 12:38:53

Hồi mới chuyển nhà, đứng trong thang máy thấy hàng xóm xách giỏ rủ nhau đi chợ. Cái kiểu y như cô ba, chị bảy hồi ở quê, sáng sớm tinh sương, tay xách cái giỏ nhựa xanh xanh, đỏ đỏ lò dò í ới rủ nhau: Đi chợ chị em ơi! Mê quá, tôi bèn đi theo.

Hóa ra cái chợ nhỏ xíu. Đâu cỡ 10 tiểu thương, khách hàng chính là những người xung quanh khu Lữ Gia. Mấy ông, bà già đi bộ tới chợ sau khi đã đi vòng vòng tập thể dục ở những con hẻm vắng xe xung quanh đó. Họ ghé chợ sẵn tiện mua ít rau, ít thịt, ít tỏi ớt, hình như chỉ cần đủ bữa ăn trong ngày rồi mai mua tiếp. Chỉ vài sạp hàng, nên sạp nào cũng kiêm nhiều món để tiện phục vụ, trừ những sạp hàng “đặc chủng” như hàng thịt, cá. Chẳng hạn, chỉ cần ghé sạp của cô bán đậu hũ, có thể mua rau nấu canh chua, rau sống, bún; ghé sạp tạp hóa đâu chỉ có bán đường, tỏi, tiêu, nước mắm, cá khô mà còn có thể mua được thức ăn nhẹ: khoai lang luộc, xôi bắp, bánh da lợn... Sạp bán chả cá chiên lại có thêm xề ổi sẻ, táo xanh “hàng quê thiệt quê nè em”; sạp bán trái cây thì lại có thêm bánh tráng phơi sương, đồ làm bánh...

Đi cái chợ lạ đời này vài lần, tôi thấy không phải mấy chị khoái đi chợ vì tính đa dạng, mà cái chính là chợ nhỏ mà cái tình không có nhỏ.

Đó là khi tôi ngơ ngác đứng trước chợ, cái chị vừa rủ tôi đi chợ liền giới thiệu nhanh tôi với các tiểu thương: Đây em của chị V., vừa chuyển nhà sang. À, em chị V. ha, trời ghé đây em, tưởng ai đâu. Vậy là, những chị tiểu thương các sạp hàng tha hồ gọi tôi giới thiệu món này món kia, người kêu hàng này chị lấy ở Cao Lãnh nè, hàng này chị mua từ Phan Thiết nè, cái này ở Củ Chi luôn nghen.

Đi chợ nơi này vài bữa, thỉnh thoảng mua được mít nhà vườn, ổi nhà vườn, cá đồng thiệt sự, cá biển mang còn đỏ tươi... Thực phẩm sạch hay không chẳng thể biết được, nhưng tin nhau ở cái tình, cách bán nên mua.

Đi chợ này vài bữa, biết tôi dân miền Tây, dì Tư ở sạp tạp hóa hỏi tôi có ăn mắm ba khía không, để dì làm sẵn cho rồi chỉ mang về vắt chanh vô là ăn được. Biết tôi hay mua hoa cắm bàn thờ Phật, có người tặng tôi bó bông vạn thọ nói nhà bà con ở ngoại thành trồng chưng rằm, còn dư nên tặng.

Chợ nhỏ, nên được cái họ chăm chút món hàng. Cũng không hẳn là rau sạch, không thuốc trừ sâu, nhưng lại tin những người ngồi ở chợ này, họ chắc không muốn lừa bịp khách quen làm chi, chỉ là họ bán cái họ có và cái đang có dù chưa chắc là cái tốt nhất, sạch nhất nhưng cái lòng họ dành cho người đi chợ có vẻ tử tế, chẳng thấy ai cãi cọ bắt đền vì hôm qua “lỡ” mua món gì ở đây. Cũng lâu lâu nghe ai đó càm ràm góp ý, rằng dì Tư ơi trái bầu mua bữa trước sao con luộc ra nó đen quá, ăn đắng nữa. Thế là người bán xuýt xoa: Trời ạ dì đâu biết, thôi mày lấy trái khác, dì không tính tiền đâu. Đi chợ vài lần, tôi còn nắm luôn lịch bán hàng của mấy bà dì tiểu thương thích đi chùa làm công quả, sẵn sàng bỏ bữa bán để đi chùa những ngày rằm, ngày chay, ngày cúng. Hễ thấy sạp nào không dọn là biết luôn bữa đó bà dì bận đi chùa. Về mở lại sạp hàng vẫn còn rôm rả chuyện bữa trước, chùa đó cúng có mấy món này nè, để học về nấu ăn chay cho cả nhà, món đơn giản lắm, chỉ có ruột non trái khổ qua bằm ra, trộn sả, trộn chút ớt, muối, rồi xào lên... Còn muốn nấu cái gì cũng sẵn sàng chỉ: làm gà chiên bây đừng mua gói bột khô, mua loại bột về trộn nước, chiên mới giòn gà và đủ chín... Đi chợ vậy là còn học lóm được cách nấu món nọ, món kia.

Bữa nọ mắc công chuyện, cách tuần mới ghé qua chợ, vậy là có hai ba bà dì hỏi: Nè tuần rồi đi du lịch hay sao không thấy ra? Trời, dì ba đợi con muốn chết, tao để dành cho trái sa kê chẳng thấy đâu. Mắm ba khía ăn hết chưa con, ăn nữa không dì làm.

Tôi không tìm đâu ra kiểu ấy trong những siêu thị, dù văn hóa siêu thị là thứ mình chọn ngay từ lúc chân ướt chân ráo đến nơi này. Chợt ngẫm ra, hồn chợ ở xứ mình, ở xóm mình, ở nơi mình ở, may quá, vẫn là thứ hồn lênh láng tình nghĩa, dù qua bao năm tháng.

MINH PHÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn