17 năm tâm huyết với công tác dân số
Cập nhật ngày: 15/01/2018 20:00:43
ĐTO - Làm công tác dân số (DS) ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh từ năm 2001, lúc nhiều cộng tác viên (CTV) DS xã bỏ nghề vì thu nhập không đủ sống và nhất là những bất mãn trong công tác vận động nhưng cô Trần Thị Kim Liên (cán bộ chuyên trách DS xã) vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.
17 năm, với lòng quyết tâm và sự yêu nghề, cô đã vận động xây dựng lại đội ngũ CTV, cùng với họ đưa công tác DS của xã nhiều năm liền nằm trong tóp đầu của huyện.
Cô Trần Thị Kim Liên - cán bộ chuyên trách dân số kế hoạch hóa gia đình xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh
Cô Liên cho biết, năm cô bắt đầu phụ trách công tác DS ở xã, CTV DS của xã nghỉ gần hết, còn khoảng 5 - 6 người. Cô phải nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu người, rồi đi đến tận nhà vận động họ tham gia. Sau 1 năm, tăng lên được 10 CTV và bây giờ là 18 CTV rải đều ở 4 ấp, trong đó có 8 CTV đã được đào tạo đạt chuẩn nhân viên y tế thôn bản. Xây dựng lại đội ngũ CTV chỉ là bước khởi đầu, quan trọng nhất trong công tác DS là vận động, tuyên truyền. Trong khi đó, nhiều bà con trong xã còn quan niệm sinh nhiều con để có lao động, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn rất hạn chế, vì vậy công tác tuyên truyền, vận động gặp không ít khó khăn.
Cô Liên tâm sự: “Những năm đầu làm công tác DS, ngày nào tôi cũng cùng CTV đi vận động từ sáng tới tối. Bởi lúc đó, xã có rất nhiều gia đình khó khăn, đông con nhưng lại không chịu kế hoạch, có nhiều gia đình, chúng tôi phải tới lui vận động cả chục lần, chưa kể nhiều người còn nặng nhẹ. Nhưng theo nghề thì phải yêu nghề, tâm huyết với nghề”.
Với quyết tâm đó, cô Liên đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng mọi hình thức như: đi vãng gia, kết hợp với các đoàn thể tổ chức các buổi họp lồng ghép để tuyên truyền công tác DS vào các lần sinh hoạt định kỳ của các câu lạc bộ, tổ, nhóm ở địa phương. Để vận động, tuyên truyền đạt hiệu quả, cô hướng dẫn đội ngũ CTV lập danh sách những nhóm đối tượng có nguy cơ cao và cùng họ thường xuyên đến thăm hỏi, vận động, quản lý chặt chẽ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, lưu ý những người có con một bề ở địa phương.
Cô cũng thường xuyên học hỏi, nâng cao trình độ qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách chuyên ngành DS, cập nhật những thông tin mới, những chính sách mới để có cách vận động cụ thể, thiết thực giúp người dân địa phương dần thay đổi. Với quyết tâm và cách làm của cô Liên, công tác DS của xã Mỹ Hiệp đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là từ năm 2011 đến nay: mức sinh giảm, hạn chế tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đạt hiệu quả, chất lượng DS dần được nâng lên... Năm 2017, toàn xã chỉ có 2 trường hợp gia đình sinh con thứ 3, các chỉ tiêu về kế hoạch hóa gia đình đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Chia sẻ kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động, cô Liên nói: “Làm cộng tác viên DS, ngoài trách nhiệm còn phải có lòng yêu nghề. Tuyên truyền về công tác DS cho chị em phụ nữ phải bằng cái tâm, cái tình và phải thật khéo để không chỉ chị em hiểu mà người chồng cũng hiểu và cùng có trách nhiệm kế hoạch hóa gia đình với phụ nữ”.
Và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp DS, nhiều Giấy khen của UBND huyện, xã, Sở Y tế,... về công tác DS là những ghi nhận sự cống hiến hết mình của cô Trần Thị Kim Liên cho công tác DS của xã Mỹ Hiệp hơn 17 năm qua.
BÍCH LIỄU