Buồn vui nghề bán vé số dạo

Cập nhật ngày: 21/11/2017 06:24:07

ĐTO - Những tờ vé số đến được với mọi người thông qua hệ thống đại lý và những người đi bán vé số dạo. Họ đi khắp nơi, chăm chỉ, miệt mài mưu sinh; có người mới vô nghề 1 hoặc 2 năm, có người có thâm niên 50 năm, mỗi ngày bất chấp nắng mưa, rong ruổi hàng chục km đường với mong muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn, lo cho tương lai con cái.


Bữa cơm trưa miễn phí tại Bếp ăn dành cho người bán vé số ở TP.Sa Đéc

Nghề của hiện tại

Khi không có việc làm, không có tiền vốn, không đất đai, không nhà cửa để kiếm tiền lương thiện, nhiều người nghĩ ngay đến nghề bán vé số. Đa số người bước vào nghề bán vé số một cách tình cờ, có khi cuộc sống gặp biến cố, bệnh tật hay chỉ muốn kiếm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Em Nguyễn Văn Bụi (16 tuổi), quê tại tỉnh Bến Tre, hiện ở trọ tại phường 1, TP.Cao Lãnh. Ba làm nghề thợ điện, mẹ không có việc làm ổn định, để phụ giúp gia đình trang trải chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, em Bụi bắt đầu lấy vé số bán từ năm 8 tuổi. 8 năm sống với nghề bán vé số, mỗi ngày em đi bán tại phường 1, phường 2, chợ Cao Lãnh; em không biết chữ, dù em rất muốn đi học nhưng do gia đình không có nơi ở cố định, thường xuyên di chuyển nên em không vào trường học mà chỉ học lóm chữ và các con số do một người trong xóm thương tình chỉ dẫn. Em Bụi cho biết: “Em bán mỗi ngày tiền lời cũng được từ 50.000 - 60.000 đồng, không có nhà, không đất ở nên thường ở trọ ở phường 1, đôi khi buôn bán ế ẩm xuống tới thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười để bán. Chỗ nào bán được thì ở bán, bán ế thì đổi chỗ ở. Tiền bán vé số phụ ba mẹ mua gạo, đường, muối, đồ ăn mỗi ngày trong nhà, nếu không đi bán vé số thì không biết làm sao để sống...”.

Em Nguyễn Văn A. đang học tại một trường Tiểu học ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười. Buổi sáng đi học, chiều về em đi bán vé số. Em A. kể: “Nhà ở cụm dân cư gần chợ Mỹ An, trong trường thầy cô biết hoàn cảnh của em nên rất thương, cho học bổng, cho tập vở đi học, nhưng mỗi ngày em cũng đi bán vé số; mọi người thương tình nên em bán cũng đắt, có lúc ế, thấy em mặc áo học sinh, các cô chú thương cũng mua dùm để em có tiền đi học...”. Bà Lê Thị Lan ngụ tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, mỗi ngày sang huyện Thanh Bình đến TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh bán vé số, đến chiều khi bán hết vé, bà lại đi xe bus về quê. Buôn bán đường xa, nên bà thường gặp những rủi ro của nghề, bà Lan kể: “Chuyện buôn bán của những người bán vé số dạo không phải lúc nào cũng dễ chịu; không chỉ ế ẩm do buôn bán thất thường, cạnh tranh với nhiều người bán khác mà còn đối mặt với những rủi ro như cướp giật vé số, đổi vé số giả, giật giỏ tiền, trấn lột, hăm dọa...”.

Hy vọng ở tương lai

Hơn 20 năm bán vé số, bà Trần Kim Hoa ngụ phường 2, TP. Sa Đéc đã nếm trải nhiều vất vả của nghề. Cực khổ là vậy nhưng bà vẫn nuôi hy vọng về tương lai là chuyên tâm lo cho đứa con đang đi học tại TP.Hồ Chí Minh. Mỗi ngày lặn lội hơn 10km, tiết kiệm chi tiêu, ăn cơm từ thiện để dành dụm lo cho con đi học xa. Bà kể: “Mỗi ngày tôi ăn cơm từ thiện, hôm nào con trai về thì xin cơm mang về cho con; đi bán đem theo chai nước uống, uống hết nước thì vô quán cà phê xin tiếp. Nhờ vậy mà mỗi tháng khi con gọi điện thoại xin tiền, tôi có tiền gửi lên cho nó. Con tôi hiện vừa đi học, đi làm, tháng kiếm được hơn 3 triệu đồng, cộng với tiền bán vé số của tôi gửi lên, nên đủ chi phí cho nó đi học. Tôi luôn hy vọng tới đời con tôi sẽ không cực khổ như tôi...”.


Mưu sinh với nghề bán vé số dạo

Ba mẹ ly hôn, em Nguyễn Thị Lùn ngụ tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lên thị trấn Mỹ An để bán vé số, em hay đi đến các quán cà phê ở khóm II vừa bán vé số vừa phụ chạy bàn. Thấy em nhiệt tình nên chủ quán cho em ăn cơm, tạo điều kiện cho em bán vé số ngay trong quán. Em Lùn cho biết: “Lúc đầu người ta cũng không cho bán trong quán cà phê, sau biết hoàn cảnh của em phải tự kiếm tiền đi học nên chủ quán thương, mỗi ngày phụ quán em được 50.000 đồng, bán kèm vé số, mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng, cũng đủ sống. Em cố gắng học, tốt nghiệp lớp 12, thi vào cao đẳng, đại học như các bạn...”.

Giúp đỡ người bán vé số dạo, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Xổ số Kiến thiết Đồng Tháp thông qua UBND các xã, thị trấn trong tỉnh, các hội đoàn thể xem xét, hỗ trợ nhà ở, trợ cấp cho những người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ học bổng cho con em người bán vé số dạo để các em yên tâm đến trường. Công ty cũng thành lập bếp ăn dành cho người bán vé số để giảm bớt 1 phần vất vả, tốn kém cho người bán vé số trong cuộc sống hàng ngày. Nói về những mong muốn của mình, bà Kim Hoa cho biết: “Công ty lo cho chúng tôi cũng tốt lắm rồi, giờ chúng tôi mong muốn có được cái thẻ bảo hiểm y tế để khi đau bệnh được vào bệnh viện khám bệnh, lấy thuốc. Mà không chỉ mình tôi, mong sao mọi người đều có để có sức khỏe tốt hơn, sống ổn định với nghề...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn