Cần chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em
Cập nhật ngày: 13/10/2019 05:39:42
ĐTO - Những năm gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em (TE) trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng. Những nguyên nhân như: tác động của thông tin, truyền thông, văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực hay áp lực về tâm lý, kinh tế trong đời sống gia đình,... đã dẫn đến các hành động bạo lực, xâm hại đối với trẻ.
Hàng năm, tỉnh thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có Diễn đàn trẻ em các cấp
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ TE. Đồng thời triển khai các kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ TE và tăng cường công tác bảo vệ TE; thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực TE. Sở cũng hướng dẫn các địa phương củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo vệ TE.
Tùy vào tình thực tế, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cụ thể hóa các văn bản của cấp trên về công tác phòng tránh, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng xâm hại TE tại địa phương. Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến các gia đình, trường học và các địa bàn cụm, tuyến dân cư; lồng ghép với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đẩy mạnh xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại TE...
Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống bảo vệ TE, cung cấp nhiều dịch vụ xã hội bảo vệ TE, nhất là nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần bảo vệ. Tuy nhiên, tình hình TE bị xâm hại vẫn chưa được kiềm chế, kéo giảm. Số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, toàn tỉnh tiếp cận, can thiệp, kết nối các dịch vụ trợ giúp 520 TE bị xâm hại (tăng 235 trường hợp so với giai đoạn từ 2011 - 2014). Trong đó, có 16 trường hợp bị bạo lực và 140 TE bị xâm hại tình dục; 364 TE bị bỏ rơi, sao nhãng và các hình thức gây tổn hại khác.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, thủ phạm gây ra các vụ xâm hại TE thường lợi dụng sự quen biết với gia đình và người thân của trẻ hoặc là người hàng xóm lân cận. Đặc biệt, có trường hợp cha ruột hiếp dâm con gái. Đa phần những người này không nghề nghiệp ổn định, thường rượu chè, cờ bạc. Hầu hết TE bị xâm hại đều thuộc diện hộ gia đình nghèo, đông con, cha mẹ phải thường xuyên đi làm thuê. Nhiều gia đình để trẻ làm việc trong những điều kiện có nguy cơ bị xâm hại như: phụ quán nước hay quán karaoke, trong khi bản thân các em không được trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ.
Một số trường hợp gia đình khá giả nhưng không quan tâm, quản lý việc trẻ sử dụng “điện thoại thông minh” của cá nhân dẫn đến việc kết bạn qua mạng, bị dụ dỗ, bỏ học. Ngoài ra, hiện nay, TE dễ dàng tiếp cận với internet, xem những trang web đen, phim ảnh khiêu dâm và làm theo bản năng nhưng không ý thức hậu quả. Văn bản pháp luật quy định về xử lý đối tượng xâm hại TE chưa chặt chẽ, khó xử lý kết tội ngay do đó chưa đảm bảo tính răn đe, công bằng. Việc thực thi pháp luật đối với các hành vi sao nhãng, bóc lột TE chưa được xử lý nghiêm, qua đó chưa bảo vệ sự an toàn TE, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm hại..., cũng là các nguyên nhân dễ dẫn đến tình trạng xâm hại TE.
Các vụ xâm hại khiến trẻ tổn thương về tinh thần, thể xác, ảnh hưởng sức khỏe. Nghiêm trọng hơn là nhiều TE bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai và sinh con, có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Đối với xã hội, vấn nạn xâm hại TE đã gây tâm lý hoang mang, bất bình trong dư luận, làm giảm niềm tin giữa con người với con người, gây mất tình làng nghĩa xóm... Những trường hợp xâm hại TE mà pháp luật chưa đủ chứng cứ định tội đối tượng thực hiện hành vi cũng gây bất mãn cho gia đình nạn nhân, tạo nhiều mâu thuẫn dẫn đến giải quyết bằng bạo lực.
Dự báo trong thời gian tới, tình trạng xâm hại TE sẽ còn diễn biến phức tạp do nhiều tác động từ các vấn đề xã hội. Đối tượng xâm hại TE không tập trung ở một nhóm đối tượng cá biệt mà có ở khắp các thành phần trong xã hội. Do vậy, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE nói chung, phòng, chống xâm hại TE nói riêng cần có sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội, gia đình và cộng đồng xã hội.
P.LỘC