Cảnh giác những nguy cơ trong mùa nắng nóng

Cập nhật ngày: 12/03/2019 05:44:36

ĐTO - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, nắng nóng kéo dài, tổng lượng mưa đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) sẽ xảy ra trong năm 2019. Nhiệt độ trung bình từ tháng 2 đến tháng 6/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 10­­C. Với thời tiết như trên, người dân cần cảnh giác những nguy cơ có thể xảy ra trong mùa nắng nóng.


Sử dụng màng phủ nông nghiệp là biện pháp giữ ẩm cho đất hiệu quả trong mùa nắng

Thận trọng với “bà hỏa”

Cháy là một trong những nguy cơ hàng đầu trong mùa nắng nóng, bởi nhiệt độ môi trường tăng cao, chỉ cần một chút bất cẩn trong sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện là chúng ta có thể trắng tay vì “bà hỏa”. Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 11 vụ cháy (8 nhà dân, 2 nhà ở kết hợp kinh doanh và 1 vụ cháy rừng), gây bỏng 2 người, ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 1,652 tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do chập điện, bất cẩn trong sử dụng lửa, bất cẩn trong đun nấu. Trước tình hình này, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa. Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, để ngăn chặn và hạn chế tai nạn cháy, ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân mới là nhân tố quyết định. Vì vậy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH lưu ý nhân nhân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo sau:

Thứ nhất, không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu, nơi có nhiều thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt; tuyệt đối không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở. Trường hợp dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy để phục vụ sản xuất kinh doanh phải bố trí ở khu vực an toàn và trang bị các phương tiện chữa cháy cần thiết.

Thứ hai, nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy, có biện pháp chống động vật cắn thủng ống dẫn gas; khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van khi không sử dụng bếp gas. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy làm trần, mái, vách ngăn... Rèm, phông màn, thảm phải được ngâm, tẩm chất chống cháy; không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

Thứ ba, lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện trong nhà. Khi sử dụng bàn ủi, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, tâm thần sử dụng các thiết bị điện; có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị sinh nhiệt và hãy tắt/rút chui ghim của các thiết bị điện ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng.

Thứ tư, khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy. Không để các vật dụng, hàng hóa, phương tiện che chắn, cản trở lối vào nơi để các phương tiện chữa cháy cản trở hành lang, cầu thang thoát nạn.

Đặc biệt khi xảy ra cháy, bằng mọi cách thông báo cho mọi người xung quanh biết (hô hoán, ấn chuông báo cháy, còi, loa...). Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC số máy 114, Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất. Đồng thời sử dụng các phương tiện chữa cháy đã được trang bị để dập tắt đám cháy. Nếu không được, hãy ra khỏi phòng và tìm cầu thang, lối thoát nạn hoặc di chuyển ra ban công, cửa sổ gọi to, ra hiệu để được trợ giúp.

Chú ý an toàn sức khỏe trong thời tiết nóng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thời tiết nắng nóng như hiện nay dễ dẫn đến những hậu quả như mất nước, say nắng, đột quỵ, tai biến mạch máu não. Đối với trẻ em và người cao tuổi thì thời tiết nắng nóng dễ tác động nhất đến sức khỏe. Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Trung tâm khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng. Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol... Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa, quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Người cao tuổi, nhất là những người có tiền sử mắc bệnh huyết áp cao cần dùng thuốc kiểm soát định kỳ, dùng theo đúng liệu trình thuốc bác sĩ đã kê đơn; phải kiểm tra huyết áp ngày 2 lần. Nếu thấy huyết áp cao bất thường phải đến bác sĩ kiểm tra và chỉnh đơn thuốc. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ phải đến viện ngay. Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước. Dù mất nước ở mức độ nhỏ, kể cả chỉ tương đương 2% cân nặng cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác.

Nếu nghi ngờ bé bị thiếu nước, cần chuyển bé vào nơi thoáng mát, cho bé uống nước. Nếu bé không cảm thấy dễ chịu hơn thì cần tìm sự trợ giúp y tế. Nắng nóng cũng có thể khiến trẻ bị chuột rút do trẻ vận động quá mức. Hoặc trẻ có thể bị kiệt sức do nóng với các dấu hiệu vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất... Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng. Cần giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng các biện pháp: cho trẻ uống nước mát, tắm nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát.

Nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, nhiệt độ trung bình từ tháng 2 đến tháng 6/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên cũng có mưa ít trong những tháng đầu năm 2019, dự báo lượng mưa thấp hơn từ 20 - 40% so với TBNN. Mùa mưa năm 2019 được dự báo có khả năng sẽ đến muộn hơn so với mọi năm. Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trong nông nghiệp đang hiện hữu. Điều này sẽ làm giảm đáng kể năng suất các loại cây trồng. Việc nhiệt độ trung bình hàng năm tăng cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp, cỏ dại phát triển mạnh và các loại sâu bệnh, dịch hai có chiều hướng gia tăng.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo, đối với lúa và những cây trồng nước cần tranh thủ các đợt lấy nước để kịp thời xuống giống, sử dụng các giống chịu hạn, thời gian sinh trưởng ngắn. Ở một số nơi thiếu nước nặng, bà con có thể chuyển đổi trồng lúa sang những loại cây hoa màu chịu hạn khác như: ngô, đậu. Đối với cây ăn quả cần có ao tích trữ nước, bón phân hữu cơ để tăng độ giữ nước cho đất. Trồng các loại cỏ phủ để giữ ẩm cho đất. Thực hiện các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây trồng như tưới nhỏ giọt,... Vùng đất khô hạn nặng có thể trồng các loại rau màu hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối...) có khả năng chịu hạn cao; nạo vét kênh, mương để chủ động nguồn nước,...

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn