Câu hỏi tại sao và trách nhiệm xã hội
Cập nhật ngày: 03/12/2017 07:07:14
ĐTO - Hàng loạt vụ xâm hại trẻ em bị đưa ra ánh sáng và xử lý.
Tưởng đâu những bản án nghiêm khắc của pháp luật và dư luận xã hội là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với mọi người.
Nhưng không phải vậy, bởi những hành vi đó vẫn tiếp tục diễn ra, gây phẫn nộ, kinh hoàng của những người có lương tri, như vụ bạo hành trẻ ở Trường mẫu giáo tư thục Mầm Xanh (TP.Hồ Chí Minh), vụ bé 23 ngày tuổi bị giết vứt xác ở bãi rác (tỉnh Thanh Hóa) mới đây.
Ảnh Internet
Câu hỏi đặt ra là tại sao và trách nhiệm xã hội ở đâu?
Hơn chục năm trước, khi những vụ việc tương tự xảy ra, kẻ vi phạm khai báo và dư luận cũng như cơ quan chức năng thống nhất có nguyên nhân là do học thức kém, không am hiểu pháp luật. Nhưng hiện nay Việt Nam chỉ còn không đến 1% người mù chữ; không còn bị bao bọc bởi lũy tre làng; người dân được tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn: sách báo, phát thanh, truyền hình, các tổ chức chính trị - xã hội. Những chuẩn mực đạo đức xã hội, trong đó chuẩn mực của người lớn đối với trẻ em mang tính phổ biến. Vì vậy, không thể cho rằng nguyên nhân phạm tội là do dốt nát, bởi những vụ việc xảy ra gần đây cho thấy nhiều kẻ vi phạm có trình độ học vấn không thấp, có địa vị trong xã hội, như cán bộ, gíáo viên, thậm chí là nguyên lãnh đạo đơn vị cấp tỉnh.
Bản thân từng người chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng xã hội không thể né tránh trách nhiệm khi những chuyện đau lòng đó xảy ra.
Bé gái hơn 4 tuổi bị xâm hại tình dục nhiều lần mà cha mẹ không biết.
Trẻ bị cha mẹ, cô giáo bạo hành mà hàng xóm, chính quyền cơ sở không hay.
Cơ quan chức năng “chỉ nghe nói, không có cơ sở”, đến khi báo chí vào cuộc thì sự thật mới phơi bày.
Từ đơn kêu cứu của gia đình, dư luận lên án, báo chí phanh phui, cấp trên chỉ đạo quyết liệt, vụ việc tưởng “chìm xuồng” mới được phục hồi điều tra, tội phạm vào tù, cán bộ liên quan bị kỷ luật.
Không ít bài báo chỉ tập trung đưa tin về vụ việc, khai thác những yếu tố giật gân, như thủ đoạn phạm tội, nhưng thiếu quan tâm nguyên nhân, nhất là cảnh báo giải pháp phòng ngừa.
Trẻ em như búp trên cành, hoàn toàn không thể tự bảo vệ mình. Trẻ em cũng là chủ nhân của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là đạo đức của dân tộc ta, được pháp luật qui định.
Mỗi người lớn chúng ta đừng vô cảm, để đến khi vụ việc xảy ra với hậu quả đau lòng mới lên án, kết tội kẻ thủ ác.
Mỗi người lớn chúng ta ít nhiều phải chịu trách nhiệm về những vụ xâm hại trẻ em thời gian qua và đừng để nó tái diễn.
Hữu Ý