Chung tay trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cập nhật ngày: 27/06/2024 13:30:18

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240627013255dt2-6.mp3

 

ĐTO - Sự cố cháy rừng xảy ra ngày 11/6 vừa qua tại phân khu A1 Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim, huyện Tam Nông tiếp tục như hồi chuông báo động về việc nâng cao cảnh giác hơn nữa trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và bảo vệ rừng. Bởi chỉ cần một chút bất cẩn, lơ là thiệt hại để lại sẽ vô cùng lớn. Để công tác PCCCR được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới rất cần có sự chung tay nhiều hơn từ cộng đồng, sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, cơ quan chuyên môn và địa phương.

>> Đã dập tắt đám cháy ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

>> Cháy rừng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim nhìn từ góc độ sinh thái học


Lực lượng chức năng tham gia chữa cháy tại phân khu A1, Vườn Quốc gia Tràm Chim, ngày 11/6

BẢO VỆ “LÁ PHỔI XANH” CỦA TAM NÔNG

Có thể thấy, sự cố cháy rừng ngày 11/6 vừa qua đã gây ra thiệt hại về rừng và tài sản của các lực lượng thực hiện công tác PCCCR. Theo ghi nhận từ VQG Tràm Chim, tổng diện tích đám cháy gây thiệt hại 20,4ha, trong đó cháy dưới tán là 18,2ha, đồng cỏ 1,84ha. Đám cháy thiêu rụi hoàn toàn 3 chiếc mô-tô và làm hư hỏng khoảng 60% đối với 3 chiếc mô-tô khác. Ngoài ra, đám cháy còn gây thiệt hại đến một số diện tích cây ăn trái của người dân khu vực tiếp giáp với VQG Tràm Chim.

Mặc dù sự cố để lại một số thiệt hại nhưng thông qua vụ việc lần này thấy được tầm quan trọng của sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng với người dân địa phương nhiệt tình tham gia trong công tác PCCCR tại VQG Tràm Chim.

Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa ngụ ấp K9, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, chia sẻ: “Ngay khi được lực lượng chức năng ở xã thông báo cháy rừng, tôi và nhiều anh em trong Tổ chữa cháy Cụm dân cư ấp K9 nhanh chóng tham gia chữa cháy cùng với lực lượng chức năng. Bởi PCCCR và bảo vệ rừng không phải là trách nhiệm riêng của Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh khu vực VQG Tràm Chim nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” của địa phương...”.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm và các giải pháp rút ra sau sự cố cháy rừng ngày 11/6 vừa qua, ông Phùng Công Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, sau sự cố cháy rừng tại phân khu A1, VQG Tràm Chim, huyện đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Theo đó, để công tác PCCCR được thực hiện hiệu quả cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành chuyên môn và các địa phương. Đặc biệt là sự chung tay chữa cháy của người dân địa phương, đây được xem là những yếu tố quan trọng góp phần giúp cho việc chữa cháy rừng vừa qua được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, để công tác PCCCR được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, hiện địa phương thành lập các nhóm Zalo nội bộ có sự tham gia đầy đủ các thành viên Ban Chỉ đạo PCCCR các cấp nhằm xử lý nhanh chóng và kịp thời khi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm tiếp tục phát huy sức dân trong công tác PCCCR...


Theo nhận định của lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim, một số diện tích tràm chỉ bị cháy xém phần vỏ bên ngoài có khả năng phục hồi nhanh hơn

TĂNG CƯỜNG PCCCR ĐI ĐÔI VỚI CÔNG TÁC PHỤC HỒI HỆ SINH THÁI

Hiện công tác PCCCR tại VQG Tràm Chim đang được thực hiện nghiêm ngặt và tập trung cao độ. Bên cạnh việc bố trí các lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các vùng trọng điểm, nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm nhập trái pháp luật vào rừng để bẫy bắt động vật, khai thác thủy sản, mật ong, chăn thả gia súc gây cháy rừng, hiện VQG Tràm Chim vẫn còn duy trì lực lượng theo dõi sát sao điểm cháy tại phân khu A1 nhằm có giải pháp xử lý kịp thời khi có tình huống phức tạp xảy ra. VQG Tràm Chim thực hiện phân công trực PCCCR 24/24 tại Ban Chỉ huy, trạm, đài quan sát, lều trại nhằm kịp thời phát hiện sớm, tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy nhanh nhất có thể khi có cháy xảy ra, không để cháy lan trên diện rộng.

Ông Cao Thái Phong - Phó Giám đốc VQG Tràm Chim, cho biết: “Song song với công tác PCCCR, hiện công tác phục hồi hệ sinh thái rừng sau vụ cháy cũng được VQG Tràm Chim quan tâm. Theo quan sát, một số thảm thực vật có mức độ cháy nhẹ ở phân khu A1 có dấu hiệu phục hồi trở lại. Một số diện tích tràm bị cháy có thân lớn cũng được đánh giá là có khả năng phục hồi khá cao. Riêng các khu vực rừng tràm có cây nhỏ và mức độ ảnh hưởng nặng do cháy VQG đang tiếp tục quan sát, xem xét sớm đề xuất giải pháp phục hồi hợp lý cho ngành chức năng liên quan. Mặc dù vụ cháy vừa qua gây thiệt hại khoảng 20,4ha nhưng vẫn không ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái của VQG Tràm Chim. Hiện các loại động, thực vật, các loại chim, cá tại VQG Tràm Chim vẫn phát triển bình thường...”.


Một số thảm thực vật có dấu hiệu phục hồi trở lại sau đám cháy ngày 11/6 tại phân khu A1, Vườn Quốc gia Tràm Chim

Trong chuyến khảo sát thực tế tại VQG Tràm Chim, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, mặc dù đám cháy gây ra một số thiệt hại nhưng được khống chế và kiểm soát tốt. Tổng diện tích thiệt hại là 20,4ha/7.588ha. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, các xã và người dân địa phương. Để công tác PCCCR, bảo vệ rừng được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, lực lượng chức năng cần rà soát, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể gây cháy rừng, từ đó có giải pháp PCCCR từ sớm, từ xa. Song song đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu VQG Tràm Chim cần khảo sát thực tế, rà soát các nguồn nước chữa cháy tại rừng, tại từng khu vực nhằm có phương án chủ động ứng phó với những tình huống phức tạp; phát huy hiệu quả tính linh hoạt của máy bay không người lái trong công tác PCCCR và bảo vệ rừng... Đặc biệt, VQG Tràm Chim cần phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các khu vực rừng tràm bị cháy, chủ động có phương án phục hồi hệ sinh thái tại VQG Tràm Chim như hiện trạng ban đầu...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn