Công tác lao động và bảo trợ xã hội đạt nhiều kết quả

Cập nhật ngày: 06/04/2019 16:39:58

ĐTO - Theo đó, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ, TB&XH) chú trọng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ trực tiếp như: tổ chức các sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đặc biệt là việc triển khai, thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Tính từ năm 2013-2018, toàn tỉnh có 205.954 lao động được hỗ trợ tìm việc làm, trong đó có 5.591 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Sở LĐ, TB&XH còn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giới thiệu việc làm, dạy nghề và trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; hướng dẫn và triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tự nguyện đến với các loại hình doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động và trong nhân dân; nhằm xây dựng quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động hài hòa, tiến bộ, theo đúng quy định.


Hỗ trợ việc làm cho lao động thông qua sàn giao dịch việc làm được tổ chức hàng tháng

Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và tinh gọn bộ máy..., để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo khoảng 21.500 học viên/năm. Trong giai đoạn 2013 - 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tuyển sinh và đào tạo cho 125.856 học viên, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 49,3% (năm 2013) lên 64,1% (cuối năm 2018).

Song song đó, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời đào tạo phi nông nghiệp, bảo đảm chủ động, kịp thời trong việc tổ chức đào tạo nghề ở địa phương...

Các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được các địa phương triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả. 6 năm qua, toàn tỉnh hỗ trợ tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên với 95.239 hộ vay; cấp 1.120.011 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 302.446 học sinh; các cơ sở dạy nghề trong tỉnh dạy nghề ngắn hạn cho 5.631 người nghèo và cận nghèo; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7.316 căn nhà ở cho hộ nghèo; thực hiện trợ cấp hàng tháng cho hơn 60.079 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể từ 9,98% (năm 2016, áp dụng tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều) xuống còn 4,28% vào cuối năm 2018.

Nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tỉnh chú trọng việc triển khai, hướng dẫn bảo đảm thi hành Luật Trẻ em 2016; các chương trình hành động, kế hoạch thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước của trẻ em. Nhờ đó, góp phần đến cuối năm 2018 có 93,25% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; 95% trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực đã phát hiện được can thiệp và trợ giúp; 100% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em toàn tỉnh vận động trên 72 tỷ đồng để hỗ trợ xe đạp cho 1.190 em; cấp học bổng 1.780 suất; cấp dụng cụ học tập cho 13.488 trẻ; tặng quà Cây mùa xuân cho 9.264 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn