Đẩy mạnh công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Cập nhật ngày: 23/04/2019 06:58:38

ĐTO - Ngày 19/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em (PCĐNTE) tỉnh Đồng Tháp năm 2019”. Tham dự hội nghị có đại diện cấp tỉnh, cấp huyện các ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Y tế, Công an, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; lãnh đạo UBND và công chức văn hóa, lao động 15 xã tham gia dự án.


Thời gian qua, dù tăng cường mở các lớp phổ cập bơi nhưng tỷ lệ trẻ đuối nước vẫn còn cao

Đồng Tháp hiện có 353.183 trẻ em (TE), chiếm 18,87% dân số. Trong đó, có 2.523 TE có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 0,71% số TE; 35.332 TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tỷ lệ 10%. Với đặc điểm hệ thống sông, rạch dày đặc, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và ý thức PCĐNTE ở cộng đồng chưa cao nên toàn tỉnh có đến 45% TE trong độ tuổi Tiểu học, THCS không biết bơi. Từ đó, nguy cơ đuối nước TE luôn ở mức cao.

Đuối nước trẻ em - thực trạng và nguyên nhân

Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch PCĐNTE. Từ năm 2001, thực hiện mô hình nhóm trẻ cộng đồng, lớp mẫu giáo cộng đồng. Đây là mô hình phù hợp với vùng nông thôn, vùng lũ lụt, giúp cha mẹ các cháu an tâm lao động, cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo. Ban đầu, toàn tỉnh có 327 nhóm với tổng số 5.317 TE. Đến nay, trên địa bàn chỉ còn 27 nhóm với 561 TE do nhiều nhóm chuyển sang điểm giữ trẻ tư thục và một số trường công lập được xây dựng nên đa phần TE được đưa vào các địa điểm này. Dù vậy, ở vùng nông thôn, nhất là hộ nghèo vẫn cần những nhóm giữ trẻ cộng đồng với chi phí thấp, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình.

Chương trình phổ cập bơi PCĐNTE của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng được thực hiện từ năm 2002 đến nay. Qua đó, toàn tỉnh mở được 9.077 lớp, dạy cho 250.486 TE biết bơi; có trên 5.290 lượt hướng dẫn viên phổ cập bơi cơ sở được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ phổ cập bơi.

Từ năm 2013, tỉnh thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” với 108 xã điểm được tỉnh chọn có hỗ trợ kinh phí tăng cường các hoạt động phòng ngừa. Trong đó, có 70% hộ gia đình có TE đăng ký và được công nhận đạt các tiêu chí của mô hình. Đến nay, toàn tỉnh có 102.379/385.428 hộ được công nhận đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn, chiếm 26,56%.

Ngoài ra, có 16 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận đạt tiêu chí “Cộng đồng an toàn”; ngành GD&ĐT cũng chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non; mô hình cụm dân cư an toàn cho TE hay mô hình tự quản đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy gắn với PCĐNTE cũng đạt những kết quả tích cực...

Dù nỗ lực triển khai nhiều giải pháp PCĐNTE, nhưng hằng năm, số TE chết đuối trên địa bàn vẫn còn ở mức cao. Tính từ năm 2013 - 2018, toàn tỉnh có 242 TE bị đuối nước, trong đó có 175 TE dưới 6 tuổi, chiếm 72,31%.

Tại hội nghị, Sở LĐ-TB&XH xác định nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước ở TE. Trong đó, sự chủ quan, thiếu quan tâm của người trông giữ chính là nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ bị đuối nước. Ngoài ra, việc chỉ đạo, tuyên truyền PCĐNTE ở nhiều xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên, đồng bộ; bản thân các em thiếu các kỹ năng trước việc đuối nước; môi trường sống xung quanh thiếu an toàn; thiếu trang thiết bị dạy bơi cho TE và cơ chế chính sách; thiếu các điểm giữ trẻ cộng đồng ở nông thôn... là những nguyên nhân khiến tình trạng đuối nước TE vẫn còn ở mức cao.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác PCĐNTE

Để góp phần giảm thiểu các trường hợp tử vong ở TE do đuối nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án PCĐNTE giai đoạn 2018 - 2022. Dự án được hỗ trợ bởi Quỹ từ thiện Bloommberg (Mỹ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI). Trong đó, Đồng Tháp là 1 trong 8 tỉnh (cùng với các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đăk Lăk và Sóc Trăng) được lựa chọn tham gia.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện dự án với tên gọi “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để PCĐNTE tỉnh Đồng Tháp năm 2019” (gọi tắt là dự án). Dự án được thực hiện thử nghiệm tại 15 xã thuộc 4 huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và Tam Nông (mỗi huyện 4 xã, riêng Tam Nông chọn 3 xã).

Dự án gồm 3 hợp phần: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn PCĐNTE và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác PCĐNTE tại tỉnh (ngành LĐ-TB&XH chủ trì); tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCĐNTE dưới 5 tuổi tại các xã dự án (ngành GD&ĐT chủ trì); tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi tại các xã dự án (ngành văn hóa, thể thao và du lịch chủ trì).

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến nhằm giúp dự án được thực hiện hiệu quả, góp phần giảm thiểu số TE đuối nước. Ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng rất quan trọng và góp phần vào thành công của dự án. Do vậy, Sở LĐ-TB&XH nên phối hợp với các địa phương tham gia dự án và xây dựng các khẩu hiệu, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nơi và sát thực tế.

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Năm - Phó Giám đốc Sở Y tế, đa phần các trường hợp ngạt nước, đuối nước nói chung và TE nói riêng khi chuyển đến cơ sở y tế đều không còn dấu hiệu sống như: ngưng nhịp tim, ngừng thở... “Vấn đề rất cần thiết là trang bị kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu đối với người bị ngạt nước, đuối nước. Đồng thời cần thông tin để người dân nắm rõ các điểm sơ cấp cứu tại cộng đồng và số điện thoại của cơ sở y tế gần nhất để có phương án cấp cứu kịp thời, nâng tỷ lệ cứu sống người bị đuối nước nói chung, TE nói riêng” - bà Trần Thị Năm nêu ý kiến.

Thông qua ý kiến thảo luận, đóng góp của đại biểu, Sở LĐ-TB&XH cho biết ghi nhận, tổng hợp và thực hiện khi triển khai dự án. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được kiến nghị từ các sở, ngành, đặc biệt là các địa phương tham gia dự án. Sau hội nghị này, đề nghị 15 xã thực hiện dự án khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai tại địa bàn theo đúng tiến độ. Hy vọng, dự án sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần kiềm chế tình trạng đuối nước ở TE, tạo tiền đề cho việc thực hiện dự án trong những năm tiếp theo”, ông Phạm Việt Công - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng Ban Điều phối dự án cho biết.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn