Tân Công Sính

Đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Cập nhật ngày: 23/12/2018 06:32:01

ĐTO - Là địa phương vùng sâu của huyện Tam Nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em (TE) luôn được các cấp ủy, chính quyền xã Tân Công Sính quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.


Thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, nhiều gia đình chủ động làm hàng rào quanh nhà để bảo vệ con em mình

Từ mô hình “Ngôi nhà an toàn”

Năm 2016, Tân Công Sính bắt đầu thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho TE. Đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần thay đổi nhận thức, đồng thời nâng cao ý thức chủ động chăm sóc bảo vệ TE của các bậc phụ huynh. Nhờ vậy, tình hình TNTT ở TE trên địa bàn huyện dần được kéo giảm.

Năm 2018, trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được của các năm trước, xã Tân Công Sính tiếp tục thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn. Mục tiêu chung của mô hình ngôi nhà an toàn là nâng cao nhận thức trách nhiệm của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc phòng ngừa TNTT cho TE. Trong đó, đặc biệt chú trọng kềm chế, kéo giảm TE tử vong do đuối nước (chủ yếu là TE dưới 6 tuổi).

Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền theo định kỳ hàng tháng, theo chuyên đề; lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm; trực tiếp truyền thông tư vấn tại cộng đồng, đặc biệt là các gia đình có TE; trạm truyền thanh xã cũng thường xuyên đưa tin hoạt động của các địa phương, đồng thời cung cấp các kiến thức phòng, chống đuối nước, TNTT ở TE. Từ đó, các bậc phụ huynh có những biện pháp phòng tránh an toàn như: làm hàng rào quanh nhà; cử người lớn trông trẻ thường xuyên; các vật dụng về điện, vật sắc nhọn, thuốc trừ sâu, nước sôi, bếp lửa... phải để nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ...

Vào đầu mùa lũ, UBND xã chỉ đạo các ngành liên quan khảo sát tại các điểm trường, nhà dân có nguy cơ ngập sâu để vận động di dời đến nơi an toàn, tránh TNTT, đuối nước cho TE. Đồng thời tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ và thực hiện phổ cập bơi cho TE...

Qua tuyên truyền, vận động về những tác hại nguy hiểm của TNTT đối với sức khỏe, đặc biệt là tai nạn đuối nước dễ dẫn đến tử vong cho TE, nhận thức người dân ngày càng được nâng lên. Như hộ anh Nguyễn Văn Quang (SN 1975) ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Công Sính, nhà có 2 con trai, cháu nhỏ mới 6 tuổi. Do công việc gia đình bận rộn với nghề làm tóc, trang điểm cô dâu, nên vợ chồng anh ít có thời quan quan tâm, chăm sóc con cái. Nhà gần chợ, lượng xe lưu thông mỗi ngày rất đông, bé nhỏ thì hiếu động nên lúc nào cũng có nguy cơ bị tai nạn. Thấy xã vận động xây dựng ngôi nhà an toàn, anh Quang đồng tình đăng ký tham gia.

“Qua hướng dẫn của xã, gia đình biết cách bố trí các vật dụng trong nhà sao cho an toàn cho trẻ, đặc biệt là phòng, chống điện giật, cháy nổ... Nhà cũng làm hàng rào xung quanh hạn chế việc trẻ đi ra đường nên tránh được các tai nạn giao thông, việc trông giữ trẻ cũng đỡ tốn công hơn...” – anh Quang chia sẻ.

Ông Nguyễn Chí Khởi – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Công Sính cho biết: “Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện ngôi nhà an toàn, đặc biệt ý thức tự bảo vệ, chăm sóc con em của mỗi phụ huynh, gia đình nên cả năm 2018, toàn xã không có trường hợp TE bị TNTT hay đuối nước. Qua bình xét ngôi nhà an toàn cuối năm, trong số 641hộ đăng ký ngôi nhà an toàn, có 88% số hộ đạt 23/33 tiêu chí ngôi nhà an toàn, đạt yêu cầu đề ra”.

Đến nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em

Tân Công Sính có 1.460 TE dưới 16 tuổi, trong đó có 203 TE sống trong gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, xã còn có 11 TE có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) và 135 TE có nguy cơ rơi vào HCĐB.

Để làm tốt công tác bảo vệ chăm sóc TE, năm 2018, Ban bảo vệ chăm sóc TE xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc TE. Xã còn khuyến khích các hoạt động từ thiện, nhân đạo vì TE và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp TE có HCĐB; lồng ghép các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ TE; quỹ bảo trợ TE, chính sách cứu trợ xã hội và các chương trình trợ giúp khác.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc chăm sóc, bảo vệ TE. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên của Ban bảo vệ chăm sóc TE thường xuyên đến tận hộ gia đình tư vấn các nội dung về quyền TE, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ, phòng ngừa TNTT và xâm hại tình dục cho TE... Qua đó, TE thuộc hộ nghèo, cận nghèo, TE có HCĐB và nguy cơ rơi vào HCĐB đã được các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ bằng các hình thức như: trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề...

Như dịp Tết 2018, xã vận động và trao 120 phần quà “Cây mùa xuân” cho TE nghèo, với số tiền 12 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ của huyện, xã tiến hành tặng 30 phần quà cho TE có HCĐB, kinh phí 5,4 triệu đồng. Hưởng ứng “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường năm học 2018 – 2019”, các ban, ngành, đoàn thể xã vận động và trao 5.720 quyển tập, 200 cấy viết, 50 bộ quần áo, 2 chiếc xe đạp, 10 suất học bổng cho TE nghèo, trị giá trên 5 triệu đồng. Xã còn quan tâm, chỉ đạo các điểm trường tổ chức Tết Trung thu cho TE trên địa bàn. Dịp này, có 1.190 TE được nhận quà, bánh... tổng kinh phí thực hiện trên 28 triệu đồng.

Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, công tác bảo vệ chăm sóc TE trên địa bàn xã Tân Công Sính đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Từ đó, góp phần giúp TE nghèo, TE có HCĐB nhận được sự hỗ trợ, bảo vệ chăm sóc và có cơ hội phát triển.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn