Dạy nghề nông thôn giúp nhiều người dân thoát nghèo

Cập nhật ngày: 28/02/2019 15:10:40

ĐTO - Xác định đào tạo nghề kết hợp tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những giải pháp thiết thực giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp các địa phương và các hội đoàn thể đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Việc làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào công tác giảm nghèo.


Tổ may gia công xã Phú Lợi góp phần tạo thu nhập ổn định cho nhiều tổ viên

Với phương châm tránh tình trạng lãng phí trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, hàng năm, Sở LĐ,TB&XH chỉ đạo các Phòng LĐ,TB&XH khảo sát, ghi nhận nhu cầu học nghề, mở lớp nghề tại các xã, thị trấn; chủ động điều chỉnh các nghề theo nhu cầu của người dân và địa phương. Cách làm này đã góp phần đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT, hạn chế tình trạng học xong nghề nhưng không tìm được việc làm.

Theo thống kê từ các đơn vị đào tạo, các nghề thuộc lĩnh vực may mặc và tiểu thủ công nghiệp là thế mạnh trong đào tạo của các địa phương, do hiện nay các doanh nghiệp này phát triển mạnh, nguồn hàng nhiều và ổn định, sau học nghề xong, người lao động nhận gia công tại nhà hoặc vào làm việc ở các cơ sở sản xuất.

Các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình,... là các địa phương nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, giúp người dân thoát nghèo. Tại huyện Tháp Mười, các xã như: Thanh Mỹ, Láng Biển, Mỹ Đông, Mỹ Quý, Tân Kiều, người dân làm nghề đan thảm, đan lục bình, đan ghế nhựa, thu nhập mỗi ngày từ 50.000 - 100.000 đồng tùy theo số lượng gia công sản phẩm.

Nhờ nghề đan lục bình mà từ một hộ nghèo thiếu đất sản xuất, phải đi làm thuê, gia đình cô Đỗ Thị Điệp và chú Phan Văn Một ngụ ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười đã vươn lên khá giàu. Chú Một cho biết, ban đầu cô, chú được xã vận động theo học lớp dạy nghề đan lục bình (do Trường Trung cấp nghề, Phòng LĐ,TB&XH huyện phối hợp cơ sở mây, tre, lá Út Nương tổ chức dạy). Sau nửa tháng học nghề, vợ chồng chú đã được cơ sở Út Nương giao hàng về nhà gia công.

Ban đầu thu nhập của vợ chồng chú chỉ khoảng 100 ngàn đồng/ngày, dần dần thạo nghề, mỗi ngày thu nhập trên 200 ngàn đồng. Thấy nhiều hộ dân trong ấp cũng tham gia, chú Một mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác đan lục bình, tự đứng ra liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm, cắt bớt giai đoạn thu mua sản phẩm qua trung gian. Không ngờ công việc tổ hợp tác của cô chú ngày càng phát triển mạnh. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình từ tổ hợp tác và đan lục bình trên 10 triệu đồng/tháng. Chú Một chia sẻ: “Nhờ nghề đan lục bình mà gia đình tôi thoát nghèo, trả hết nợ, cất được nhà kiên cố. Trước đây, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ gia đình có được cuộc sống như ngày hôm nay”.

Tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, những ngày cuối năm 2018, sau khi mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiến hành thành lập tổ may gia công nhận ráp đồ từ các công ty may mặc trên địa bàn, với 12 thành viên. Hiện tại, thu nhập của các tổ viên trung bình 2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng đã giúp nhiều tổ viên trước đây làm thuê thu nhập bấp bênh ổn định thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ngoài nghề thủ công mỹ nghệ, các nghề: vận hành, sửa chữa máy phun xịt thuốc, máy sạ hàng cũng được các địa phương mở theo nhu cầu của người dân. Sau khóa học, các học viên thành lập tổ liên kết từ 5 - 10 thành viên, mỗi ngày có thu nhập 150 - 200 ngàn đồng. Bên cạnh các nghề phi nông nghiệp, các nghề nông nghiệp cũng được các địa phương đào tạo luân phiên như: nghề nuôi ếch, kết hợp nuôi cá, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái và các loại rau xanh cho thu nhập từ 100 ngàn - 150 ngàn đồng/ngày.

Theo Sở LĐ,TB&XH, năm 2018, toàn tỉnh đã mở 270 lớp đào tạo nghề cho LĐNT, với 7.926 lượt người tham gia (trong đó, có 61 lớp nghề nông nghiệp và 209 lớp nghề phi nông nghiệp). Tỷ lệ học viên có việc làm sau các khóa đào tạo đạt khoảng 85%. Đối với các lớp dạy nghề theo địa chỉ cho các doanh nghiệp, các lớp học sau khi kết thúc có 100% lao động có việc làm ngay và có thu nhập ổn định.

Không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, những năm qua, việc đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp cho nhiều người dân có việc làm, tăng thu nhập, ổn định được cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn