Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc:

Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo

Cập nhật ngày: 13/12/2017 08:40:55

ĐTO - Được thành lập từ năm 1992, đến nay đã trải qua hơn 25 năm thành lập, Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sa Đéc đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những bệnh nhân và thân nhân người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.


Các suất cơm, cháo, nước miễn phí làm ấm lòng bệnh nhân nghèo

Địa chỉ tin cậy của người nghèo

Ông Nguyễn Văn Mốt - Phó Trưởng Ban điều hành Bếp ăn tình thương BVĐK Sa Đéc cho biết, ngày trước, nhiều lần đến bệnh viện, ông thấy nhiều người nghèo không có tiền mua cơm, phải kê tạm mấy cục gạch để nấu ăn nuôi người bệnh nên ông đã nảy ra ý định thành lập Bếp ăn tình thương. Sau khi đề xuất với Ban Giám đốc Bệnh viện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và vận động nguồn kinh phí nhiều nơi, Bếp ăn tình thương đã chính thức thành lập vào ngày 24/7/1992.

Điều đáng tự hào của những thành viên Bếp ăn tình thương là bếp ăn chưa từng “tắt lửa” ngày nào, dù đang là ngày lễ, hay Tết. Hiện tại, bếp ăn có 34 nhóm tán trợ, hơn 600 lao động tình nguyện phục vụ mỗi ngày từ 1.000 - 1.200 suất cơm và 2.000 lít nước sôi, 400 – 500 suất cháo.

Ngoài hỗ trợ cơm, cháo, nước, Ban điều hành Bếp ăn tình thương còn giúp một phần viện phí, chi phí chạy thận và chuyển viện... cho các trường hợp bệnh nhân nghèo. Bệnh nhân nghèo không may qua đời, Bếp ăn tình thương còn hỗ trợ tiền xe đưa về nhà. “Kinh phí hoạt động của Bếp ăn tình thương hoàn toàn do mạnh thường quân trong và ngoài nước đóng góp. Mấy chục năm qua, bếp ăn đã trở thành địa chỉ nhân đạo quen thuộc, người cho tiền, người góp gạo, rau, củ... giúp bếp ăn duy trì đến hôm nay”, ông Mốt cho biết.

Ông Nguyễn Văn Bân - Trưởng Ban điều hành Bếp ăn tình thương cho biết: “Các thành viên bếp ăn đều là những người có lòng nhân ái, tích cực trong công tác từ thiện nhân đạo. Bếp ăn có Ban điều hành, thư ký, kế toán, thủ quỹ và một số ủy viên phụ trách bộ phận kho, bếp trưởng, tổ hậu cần... Tất cả đều hoạt động theo sự điều hành chung của Ban điều hành trên tinh thần phục vụ, công khai, minh bạch. Các thành viên luôn nhớ khẩu hiệu “Đoàn kết, chung sức, chung lòng, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi nghĩ, đây cũng là lí do để bếp ăn này “cháy” suốt hơn 25 năm qua”.


Các tình nguyện viên chuẩn bị thức ăn phục vụ bệnh nhân nghèo

Bà Đặng Thị Trúc Giang (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) đang nuôi mẹ tại BVĐK Sa Đéc chia sẻ: “Nhờ có bếp ăn này mà những người nghèo như chúng tôi giảm được chi phí ăn, uống, tiết kiệm được ít tiền để mua thuốc, trả viện phí cho người thân nằm viện ”.

Những người “giữ lửa” Bếp ăn tình thương

Những ngày đầu mới thành lập, nhiều người lo lắng bếp ăn không có đủ kinh phí, con người để duy trì hoạt động. Ông Nguyễn Văn Mốt – khi đó là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đứng ra làm thư ngỏ, đi gõ cửa các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong ngoài tỉnh, vận động bà con góp gạo, góp công.

Cuối tháng 4/2014, ông Mốt cùng các thành viên trong Bếp ăn tình thương khánh thành cơ sở mới. Gần 22 năm che chắn tạm bợ và 3 lần dời chỗ, lần này Bếp ăn tình thương đã được BVĐK Sa Đéc cấp cho mảnh đất rộng 185m2 nằm gần khu khám bệnh. Ông Mốt và Ban điều hành trích quỹ, vận động được gần 1 tỉ đồng, xây dựng cơ sở mới khang trang 1 trệt 1 lầu và trang bị hệ thống lò điện, máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời, góp phần phục vụ các suất cơm, cháo, nước cho bệnh nhân nghèo, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ông Nguyễn Văn Mốt, người gắn bó với Bếp ăn tình thương từ những ngày đầu thành lập đến nay còn có ông Nguyễn Văn Bân (80 tuổi) hiện là Trưởng Ban điều hành Bếp ăn tình thương. Hơn 20 năm qua, ông đã thầm lặng cùng các thành viên trong Ban điều hành quản lý tốt việc thu chi, lương thực, thực phẩm, lập sổ thu, xuất rõ ràng. Hàng tháng tịnh kho kiểm tra. “Chính môi trường làm từ thiện tốt đã giúp những người làm từ thiện như chúng tôi có điều kiện phát huy lòng tốt của mình. Đây cũng chính là động lực để tôi tiếp tục phục vụ bệnh nhân. Tôi sẽ gắn bó với công việc từ thiện này đến khi nào không còn đủ sức khỏe” - ông Bân chia sẻ.

Còn đó rất nhiều cái tên vẫn âm thầm hỗ trợ để Bếp ăn tình thương được “đỏ lửa” mỗi ngày, như ông Phạm Đông Giang - Phó Ban điều hành phụ trách nội bộ, anh “đầu bếp” Nguyễn Văn Lạ ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, các tán trợ viên Nguyễn Kim Danh, Nguyễn Lệ Sương và hơn 600 tán trợ viên khác phục vụ bếp ăn... Nhiều bệnh nhân chia sẻ họ rất cảm động với những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với người nghèo, bệnh nhân khó khăn của những người ở Bếp ăn tình thương.


Tình nguyện viên nhóm tán trợ huyện Lấp Vò chuẩn bị các suất cơm phục vụ bệnh nhân

Theo ông Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp, việc thành lập bếp ăn thì dễ nhưng để có kinh phí duy trì thường xuyên mới khó. Do đó, các bếp ăn rất cần sự tiếp sức, “thổi lửa” của những nhà hảo tâm. Bếp ăn tình thương của BVĐK Sa Đéc luôn duy trì được số dư để làm kinh phí dự phòng khi gặp khó khăn. Để duy trì được hoạt động bếp ăn thì sự hỗ trợ từ những mạnh thường quân và những tình nguyện viên nhiệt tình là rất quan trọng.

Những đóng góp thầm lặng của các thành viên của Bếp ăn tình thương cũng đã được các ngành, các cấp trong tỉnh và Trung ương ghi nhận với 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đặc biệt năm 2017, Bếp ăn tình thương BVĐK Sa Đéc đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn