Đồng Tháp: Khắc phục khó khăn để làm tốt công tác bảo vệ rừng

Cập nhật ngày: 01/04/2021 11:10:44

ĐTO - Rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là rừng trồng thuần loài tràm, phân bố ở vùng đất trũng, phèn nặng, ngập nước sâu vào mùa lũ. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 12.472,33ha; trong đó, diện tích đất có rừng là 6.093,68ha; độ che phủ rừng là 1,61%. Rừng phân bố trên địa bàn 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh.


Một góc rừng tràm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

Phân theo mục đích sử dụng: rừng đặc dụng 7.654,49ha (Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp); rừng phòng hộ 1.081,36ha (rừng phòng hộ biên giới Dinh Bà, rừng phòng hộ Môi sinh Bắc Tháp Mười); rừng sản xuất 3.736,48ha.

Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được địa phương đặc biệt quan tâm. Toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều được giao quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và bảo vệ theo quy định. Các chủ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm nhập rừng để khai thác trái phép tài nguyên rừng. Song song công tác quản lý rừng, công tác sử dụng và phát triển rừng cũng được thực hiện theo quy định. Năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp đã khai thác 148,06ha rừng; sản phẩm đạt khoảng 1,18 triệu cây cừ tràm các loại. Ngoài khai thác rừng, các tổ chức, cá nhân còn tận dụng diện tích dưới tán rừng để nuôi ong lấy mật, khai thác thủy sản góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho cư dân làm nghề rừng.

Đối với công tác trồng rừng, Chi cục Kiểm lâm đã bàn giao 6.660 cây dầu đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để thực hiện phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ 19 tháng 5. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức hoạt động trồng rừng thường xuyên khác, năm qua toàn tỉnh đã trồng được 187,81ha rừng. Sau khi trồng, các địa phương, đơn vị luôn quan tâm tổ chức chăm sóc nên cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt 90%.

Nhìn chung, công tác bảo vệ rừng hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn. Diện tích rừng phân bố rải rác, không tập trung, tiếp giáp đất nông nghiệp và khu dân cư nên việc kiểm soát hết toàn bộ khu vực; nhất là công tác quản lý đối tượng xâm nhập vào rừng trái phép.

Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, nhưng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim vẫn còn xảy ra các hành vi vi phạm về chăn thả gia súc (trâu) vào rừng trái phép. Một số đối tượng lén lút xâm nhập trái phép để đánh bắt thủy sản, động vật rừng vào ban đêm nên khó phát hiện xử lý triệt để, đôi lúc đối tượng xâm nhập theo từng nhóm đông người và có hành vi chống đối lại lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Hiện máy chữa cháy của một số chủ rừng xuống cấp, công suất giảm, chưa trang bị mới nên gặp khó khăn trong công tác chữa cháy nếu xảy ra cháy lớn (Rừng phòng hộ Biên giới Dinh Bà, rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười, Dự án Hồ rừng). Công tác điều tra, xác minh đối tượng gây cháy gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do sau cháy không để lại dấu vết tại hiện trường nên các vụ cháy xảy ra không xác định được đối tượng vi phạm.

Rừng phòng hộ biên giới Dinh Bà, rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười và Dự án Hồ rừng hiện thiếu lực lượng bảo vệ rừng nên công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng chưa đảm bảo. Theo quy định tại Khoản 16, Điều 2, Luật Lâm nghiệp “Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm: thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song mây, tre, nứa đã chế biến”. Vì vậy, rất khó khăn trong việc xử lý các hành vi bẫy, bắt động vật hoang dã ngoài môi trường tự nhiên (ngoài khu vực rừng).


Một góc rừng tràm Gáo Giồng

Ngành chức năng đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ rừng tốt hơn. Cụ thể bảo vệ rừng, đặc biệt tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống cháy rừng, nhất là vào mùa khô, tập trung vào các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Tiếp tục bảo vệ và phát triển những khu rừng có đa dạng sinh học cao như: Vườn Quốc gia Tràm Chim, rừng tràm Gáo Giồng. Đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các công trình phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, bán chuyên trách của chủ rừng, lực lượng dân quân tự vệ, công an các xã có rừng, ven rừng; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng khi có cháy rừng xảy ra. Phát triển diện tích trồng rừng thâm canh; ứng dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin vào quản lý, theo dõi diễn biến rừng, dự báo phòng, chống cháy rừng. Đẩy mạnh công tác khuyến lâm, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

TRẦN BÁ THẢO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn