Hành trình thoát nghèo của gia đình chú Dương Văn Mười Ba
Cập nhật ngày: 13/02/2020 04:56:51
ĐTO - “Phải quyết tâm cao và có tính toán cụ thể” đó là chia sẻ của chú Dương Văn Mười Ba ở ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười qua hành trình vượt khó, thoát nghèo của gia đình mình. Với phương châm này, từ một hộ nghèo nhất, nhì ở địa phương, gia đình chú Dương Văn Mười Ba đã vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ ăn nên làm ra trong ấp.
Vợ chồng chú Dương Văn Mười Ba chăm sóc vườn ổi của gia đình
Kể về hoàn cảnh trước đây của gia đình mình, chú Mười Ba chia sẻ: Cách đây hai mươi mấy năm, chú lập gia đình và ra riêng với ngôi nhà lá cùng 2 công ruộng. Lúc đó, vợ chồng chú có cuộc sống khá ổn định nhưng từ khi sinh đứa con đầu lòng, cuộc sống gia đình bắt đầu khó khăn. Càng chật vật hơn khi đứa con thứ 2 ra đời và đau bệnh quanh năm. Để trị bệnh cho con, vợ chồng chú phải cố luôn 2 công ruộng - nguồn mưu sinh chính của gia đình. Kể từ đó, vợ chồng chú phải đi làm thuê, làm mướn. Nhà nghèo nên vợ chồng chú rất chịu khó, không từ chối bất cứ việc gì, từ làm thuê, giăng câu lưới,... để kiếm thu nhập cho gia đình. Tiền làm thuê được, một phần vợ chồng chú lo chi tiêu gia đình, một phần dành dụm để chuộc lại 2 công đất.
Sau thời gian cần cù lao động và cần kiệm chi tiêu, vợ chồng chú Mười Ba chuộc lại được 2 công đất và mua thêm được 3 công ruộng để canh tác. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình chú vẫn không khá lên do đất phèn nên năng suất thấp. Năm 2015, gia đình chú được Hội Nông dân xã giới thiệu vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, chú Mười Ba đã mạnh dạn mua 1 con bò giống về nuôi, số tiền còn lại chú lên liếp 5 công ruộng kém năng suất, chuyển sang trồng ổi nữ hoàng và bưởi.
Chú Mười Ba chia sẻ những vất vả ở thời điểm này: “Do không có nhiều vốn nên để tiết kiệm tiền mua cây giống, vợ chồng con cái tôi tự đứng ra đào mương, đắp mô lên liếp. 5 công đất gia đình tôi phải lên 2 đợt, mất cả năm trời mới hoàn thành. Đợt đầu, lên phân nửa rồi mua cây giống về trồng. Sau đó, chúng tôi vừa chăm sóc ổi vừa lên liếp phần còn lại. Nhờ trồng ổi nên chỉ sau vài tháng là có thu hoạch, nguồn thu từ cây trồng đợt trước, chúng tôi tiếp tục mua cây giống để trồng ở phần đất còn lại. Lúc đó, có khi cả tuần vợ chồng tôi không bước chân ra đường, tờ mờ sáng là xách cơm ra vườn làm cho đến chạng vạng”.
Nhờ chịu khó chăm sóc, năm nào vườn ổi của gia đình chú Mười Ba trồng cũng cho rất nhiều trái. Không chỉ vậy, để tăng lợi nhuận, mùa nào được giá thì chú Mười Ba cân cho lái, những mùa rớt giá vợ chồng chú chở xe qua tận chợ Bến Lức (Long An) thuê chỗ để bán lẻ. Nhờ vậy mà chú Mười Ba lo được cho con học đại học, kinh tế gia đình dần ổn định, từ hộ nghèo thiếu trước hụt sau, nay đã có của tích lũy. Chú Mười Ba chia sẻ: “Cũng có những lúc quá khó khăn, tôi định buông xuôi nhưng cái đói, cái nghèo đã thổi bùng trong tôi ý chí quyết tâm vươn lên. Vậy là vợ chồng tôi lại cật lực lao động, vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng trọt để canh tác hiệu quả. Vợ chồng tôi đã thực hiện canh tác xen ổi và bưởi, lấy ngắn nuôi dài. Nhờ quyết tâm chịu khó tìm tòi, năm nào vườn nhà tôi cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy cuộc sống gia đình đã ổn định”.
Cuối năm 2019, tại cuộc họp bình xét hộ nghèo, chú Mười Ba đã làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ lại cho hộ khác. Trong niềm vui thoát nghèo, ổn định cuộc sống, chú Mười Ba chia sẻ: “Từ khi chuyển sang trồng ổi và bưởi, 5 công đất của gia đình tôi thu nhập trên chục triệu đồng, chưa trừ chi phí thuốc men. Nhờ vậy, mà tôi cũng tích lũy được số vốn kha khá, chờ năm sau con tôi tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm ổn định, tôi sẽ cất lại ngôi nhà kiên cố. Từ nay, vợ chồng tôi sẽ phấn đấu làm hơn nữa để dành tiền mua đất làm của cho các con sau này”.
Nhận xét về tinh thần vượt khó của gia đình chú Dương Văn Mười Ba, ông Nguyễn Văn Khanh – Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ nói: “Gia đình anh Mười Ba rất chịu khó, chí thú làm ăn, mặc dù nhận sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo nhưng không hề trông chờ hay ỷ lại sự hỗ trợ mà biết lấy đó làm động lực phấn đấu phát triển kinh tế. Qua sự phấn đấu của gia đình anh Mười Ba cho thấy sự khá giả sẽ nằm trong tầm tay chúng ta, nếu chịu khó cần cù, tìm tòi học hỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất, có kế hoạch chi tiêu hợp lý và biết đặt mục tiêu phấn đấu cho mình trong cuộc sống”.
BÍCH LIỄU