Hiệu quả chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 17/11/2020 10:46:42

ĐTO - Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành và thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh phối hợp chặt chẽ với địa phương tuyên truyền, vận động và khảo sát đăng ký học nghề nông nghiệp theo nhu cầu thực tế của người dân.


Lao động nông thôn ứng dụng công nghệ nâng cao trong lao động sản xuất

Sở NN&PTNT phối hợp các ngành liên quan xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề; ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thống nhất cho các đơn vị dạy nghề và các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh thực hiện đúng theo các quy định của Trung ương tạo điều kiện tốt cho công tác tuyển sinh đào tạo được thuận lợi, hiệu quả. Thông qua sự phối hợp của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Sở NN&PTNT thực hiện hỗ trợ LĐ nông thôn học nghề.

Từ năm 2010 – 2020, Sở NN&PTNT tổ chức, phối hợp các ngành đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 19.379 người (riêng năm 2020 đào tạo 1.440 người), có 17.358 người đã học xong, đạt 89,57%, trong đó số người có việc làm là 15.170 người, đạt 87,39%. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017 – 2020, Sở NN&PTNT đã phối hợp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức 3 lớp kỹ năng dạy nghề nông nghiệp, có 81 cán bộ, viên chức tham dự; phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tổ chức 6 lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về kinh tế nông nghiệp, có 152 cán bộ, viên chức tham dự. Sau các khóa học, LĐ nông thôn nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật mới, sau học nghề có khoảng 80% LĐ học nghề áp dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình. Một số ngành nghề đào tạo đem lại hiệu quả kinh tế và thu hút được số lượng học viên tham gia như: Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật trồng rau, kỹ thuật nuôi bò, kỹ thuật trồng nhãn theo hướng VietGAP, kỹ thuật trồng nấm rơm, sản xuất xoài theo hướng GAP và sản xuất cây có múi theo hướng GAP,...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng để thay đổi tư duy từ “làm kỹ thuật nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp” trong hệ thống ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2017 - 2020, Sở NN&PTNT phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp biên soạn và ban hành chương trình, giáo trình về nội dung kinh tế nông nghiệp; chủ động xây dựng chương trình, giáo trình bổ sung các nghề mới như kỹ thuật nuôi cá thác lác cườm, ương cá tra giống... Dựa trên nền tảng giáo trình của Bộ NN&PTNT biên soạn, cập nhật thường xuyên hàng năm, đảm bảo phù hợp với việc dạy và học nghề, cũng như đối tượng người học và đặc điểm của vùng, thích ứng tốt điều kiện sản xuất của địa phương.

Nhằm kịp thời rà soát, định hướng giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐ nông thôn từng giai đoạn, ngành NN&PTNT đã thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2016 và giai đoạn 2017 – 2019. Đồng thời khuyến khích sự tham gia của các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... vào hoạt động giám sát dạy nghề nhằm phát huy lợi thế trong tuyển sinh, tổ chức và quản lý lớp. Sau thời gian triển khai, thực hiện thông qua công tác đào tạo nghề nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người LĐ về vai trò quan trọng của dạy nghề nông nghiệp cho LĐ nông thôn, góp phần ổn định, nâng cao thu nhập người dân, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới công tác đào tạo nghề cho LĐNT, Sở NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người LĐ về tầm quan trọng của học nghề, áp dụng kỹ năng, tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, thu nhập và tạo công ăn việc làm. Sở NN&PTNT phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trường trung cấp, cơ sở đào tạo xây dựng định mức chi phí đào tạo, rà soát, cập nhật chương trình, giáo trình, tài liệu trên cơ sở chương trình khung của Bộ NN&PTNT phù hợp với yêu cầu giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng mô hình đào tạo nghề, ưu tiên các nghề trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn. Các nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn