Huyện Lấp Vò kêu gọi người dân chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết
Cập nhật ngày: 01/09/2017 16:04:13
ĐTO - Những ngày qua, nhiều gia đình ở xã Định An, huyện Lấp Vò hết sức lo lắng khi số người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn liên tục tăng. Hiện xã Định An là địa phương có số người mắc bệnh SXH nhiều nhất trên địa bàn huyện.
Bà Trần Thị Kim Đính ngụ ấp An Hòa, xã Định An dùng vải kháng khuẩn đậy kín các miệng lu để đề phòng lăng quăng
Trước tình hình dịch SXH bùng phát trên địa bàn, Ban chỉ đạo phòng, chống SXH xã đã triển khai nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống bệnh SXH; tổ chức các đợt ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường và tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở các khu dân cư.
Bác sĩ Lê Hữu Tường - Trưởng Trạm Y tế xã Định An cho biết: “Thời gian qua, cán bộ y tế xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhân viên y tế ấp tập trung tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH trong nhân dân. Tuy nhiên, một bộ phận quần chúng nhân dân vẫn chưa thật sự chủ động trong phòng, chống bệnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh SXH ở xã Định An tăng nhanh trong thời gian qua”.
Cũng theo bác sĩ Lê Hữu Tường, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã xảy ra 98 trường hợp mắc SXH, có 3 ca nặng, trong đó ấp An Lạc có đến 52 trường hợp. Nguyên nhân do người dân sử dụng lu, khạp để chứa nước sinh hoạt nhưng không đậy nắp cẩn thận, trong lu, khạp có nhiều lăng quăng. “Điều đáng nói là khi cán bộ y tế đến vận động người dân cọ rửa lu, khạp, thả cá diệt lăng quăng thì có hộ “lờ” đi hoặc có hộ cũng thực hiện, nhưng sau thời gian không lâu, cán bộ y tế đến kiểm tra thì tình trạng trên lại tái diễn” – bác sĩ Tường cho biết.
Bà Trần Thị Kim Đính ngụ ấp An Hòa, xã Định An chia sẻ: “Chúng tôi cũng có nắm thông tin về tình hình bệnh SXH, nên đã chủ động vệ sinh xung quanh nhà, dùng vải kháng khuẩn để phủ kín và đậy nắp cẩn thận các dụng cụ chứa nước, không để có lăng quăng. Tuy nhiên, còn một số gia đình vẫn chưa thực hiện tốt, nếu chỉ có gia đình tôi thực hiện thì không thể phòng, chống được bệnh SXH mà cần sự chung tay của cả cộng đồng”.
Theo Trung tâm Y tế - Dân số huyện Lấp Vò, từ đầu năm đến ngày 24/8/2017, trên địa bàn huyện ghi nhận trên 320 trường hợp mắc SXH, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016 (167ca). Theo nhận định của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh SXH tại huyện Lấp Vò có nguy cơ tăng trong thời gian tới nếu địa phương không có hoạt động kiểm soát véc-tơ chủ động diện rộng, quyết liệt và triệt để do số mắc tại huyện vẫn đang duy trì ở mức cao, xuất hiện nhiều ổ dịch và đang có xu hướng lan sang các xã khác từ xã Định An. Địa phương có bệnh nhân mắc bệnh SXH nhiều như: Định An 86 người, Bình Thạnh Trung 52 người, Mỹ An Hưng B 32 người, Bình Thành 29 người. Điều đáng nói là bệnh xảy ra rải rác và đều khắp ở các xã, thị trấn trên địa bàn, nên đã gây không ít khó khăn cho công tác giám sát, phòng, chống SXH của ngành y tế.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Chuyển – Giám đốc Trung tâm Y tế - Dân số huyện cho biết: Hiện nay, thời tiết ở vào giai đoạn giao mùa, khí hậu nóng ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển mạnh. Cùng với đó, người dân có thói quen chơi cây cảnh, chứa nước sinh hoạt trong các dụng cụ không có nắp đậy, không dọn vệ sinh thường xuyên quanh nhà... nên đã vô tình tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và truyền bệnh SXH. Vì vậy, nguy cơ bệnh SXH bùng phát thành dịch trong thời gian tới ở các khu dân cư trên địa bàn huyện là rất cao...
Nhằm ngăn chặn bệnh SXH không để bùng phát thành dịch, những ngày qua lực lượng chuyên trách của Trung tâm Y tế, cán bộ y tế các xã, thị trấn và tổ xung kích ở các địa phương đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền miệng và cổ động trực quan bằng pa nô, áp phích về bệnh SXH. Vận động nhân dân ở các khu dân cư ra quân dọn vệ sinh môi trường, phát quang cây cối, bụi rậm, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng, khơi thông cống rãnh, tổ chức diệt lăng quăng với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có SXH”.
Trung tâm Y tế - Dân số huyện đã chỉ đạo lãnh đạo Trạm y tế tích cực tham mưu UBND xã, thị trấn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng trên địa bàn; Trạm y tế phân công cụ thể cán bộ phụ trách công tác phòng, chống SXH trên địa bàn ấp; tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn quản lý...
Biện pháp phòng bệnh SXH hữu hiệu nhất và ít tốn kém là diệt muỗi vằn, diệt lăng quăng, bọ gậy. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá trong dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng; tiến hành thu gom và hủy những vật dụng phế thải quanh nhà, không để nước tù đọng; ngủ phải mắc mùng (kể cả ban ngày). Nếu trong gia đình có người mắc bệnh SXH thì phải để nằm trong mùng, tránh muỗi đốt nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh cho người khác. Đặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh thì đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời, không được tự ý dùng thuốc uống ở nhà nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
KIM NGÂN