Khởi sắc trên quê hương anh hùng
Cập nhật ngày: 30/04/2019 05:20:23
ĐTO - Xã cù lao Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) là xã nằm giữa sông Tiền. Quân và dân nơi đây đã trải qua một thời chiến tranh oanh liệt, đoàn kết chống lại kẻ thù. Ngày nay, Bình Thạnh chủ động sáng tạo trong lao động, sản xuất.
Người dân Bình Thạnh chung tay xây dựng nông thôn mới
Anh hùng trong kháng chiến
Với địa thế sông ngòi chằng chịt, có lợi thế về chiến tranh du kích kết hợp với lòng dân, Bình Thạnh cũng là nơi có nhiều căn cứ của huyện, tỉnh và một số tỉnh bạn. Từ năm 1955, Mỹ, Diệm ráo riết chiến dịch tố cộng, diệt cộng trên quy mô lớn. Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ở Bình Thạnh mở nhiều cuộc hành quân lớn, đánh phá điên cuồng, khủng bố nhân dân. Trước tình hình đó, tháng 7/1957, Chi bộ xã Bình Thạnh ra đời. Cuối năm 1959, lực lượng du kích Bình Thạnh tái hình thành và từng bước lớn mạnh về mọi mặt như phối hợp với quần chúng phá kìm kẹp ác ôn, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy, đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền ở xã, ấp, thành lập chính quyền nhân dân.
Cùng với phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam, năm 1960, nhân dân Bình Thạnh từ tay không đã phối hợp với các lực lượng quân ta tấn công địch, vùng lên phá bỏ hệ thống kìm kẹp của ngụy quyền, giành quyền làm chủ, lấy lại phần lớn ruộng đất của nông dân bị địch tước đoạt.
Bằng sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, kết hợp với đường lối chiến tranh nhân dân cách đánh sáng tạo của du kích Bình Thạnh như vót chông tre, làm chông sắt để gài khắp nơi, làm hàng rào chiến đấu, vật cản trên sông, bãi lựu đạn, dùng ong vò vẽ đánh giặc,... tạo vũ khí, kết hợp lấy vũ khí của địch đánh địch đã làm nên nhiều chiến công hiển hách. Điển hình như ngày 21/1/1970, trong trận chống càn, ta đánh địch loại khỏi vòng chiến đấu 78 tên, hay những chiến công oanh liệt ở những trận đánh đồn Cá hô, Cá he, Bình Linh... đều để lại cho địch nhiều phen kinh hoàng.
Hay ở Căn cứ Lệ Minh ở ấp Bình Mỹ A, cách đồn Cá he hơn 300m. Căn cứ với diện tích hơn 6 mẫu, đắp bờ bao xung quanh và trong ruột để giữ nước, trồng cây, giữ cỏ dại tạo địa hình um tùm, sầm uất. Xung quanh căn cứ, bố trí nhiều lớp hầm chông, bãi lựu đạn, mìn. Căn cứ Lệ Minh tồn tại đến ngày giải phóng trong sự bủa vây tứ phía của quân thù (bộ binh, máy bay, tàu chiến, pháo...) là nhờ sự đùm bọc, chở che của nhân dân.
Tháng 4/1975, Chiến dịch Hồ Chí minh bắt đầu, quân dân Bình Thạnh cùng với cả nước liên tục tấn công địch. Đúng 7 giờ 30 phút, ngày 1/5/1975, quân và dân Bình Thạnh đã giải phóng hoàn toàn xã nhà.
Trên vùng đất anh hùng hôm nay
Sau 44 năm giải phóng, bộ mặt Bình Thạnh hôm nay thực sự trở thành một bức tranh sinh động. Đi trên những con đường nhựa, đường đan phẳng lì, 2 bên đường bóng cây xanh mát rượi, nhiều ngôi nhà tre lá, lợp tôn ngày nào giờ là những căn nhà xây dựng kiên cố, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của một vùng quê anh hùng.
Hệ thống kết cấu hạ tầng của xã được quan tâm đầu tư, hoàn thành hệ thống đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái và hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu đi lại, lao động, sản xuất của nhân dân. Giao thông đường bộ đảm bảo xe 4 bánh đến được trung tâm xã và các ấp, mạng lưới điện phủ khắp địa bàn xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Năm 2010, cầu Sông Cái Nhỏ nối liền hai xã Mỹ Long và Bình Thạnh hoàn thành đưa vào sử dụng đã phá thế cô lập xã Bình Thạnh với các địa phương khác; công trình bến phà Sa Đéc - Bình Thạnh và đường ĐT 850 được đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ hộ khá, giàu tăng lên; nhà kiên cố, bán kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều, diện mạo nông thôn ngày thêm thay đổi.
Anh Bùi Thanh Hiệp (SN 1983) ngụ ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh phấn khởi cho biết: “Giờ cuộc sống quê mình khá hơn trước nhiều, tôi làm vườn, vợ tôi buôn bán, thu nhập cũng ổn định. Điều mừng nhất là giờ đường sá ở đây ngon lành, con tôi đi học không vất vả như tôi ngày trước phải qua sông bằng đò”.
Phát huy truyền thống xã anh hùng, Đảng ủy xã Bình Thạnh tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng từ loại cây ăn trái có giá trị kinh tế thấp sang loại cây có giá trị kinh tế cao, mang tính ổn định lâu dài. Diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng.
Qua 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của xã không ngừng phát triển; bộ mặt nông thôn tiếp tục được thay đổi, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; tăng tỷ lệ hộ khá, giàu; nhà kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều.
Đồng chí Trần Văn Tám - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Lãnh đánh giá: “Bình Thạnh là xã có xuất phát điểm chỉ đạt 9/19 tiêu chí, với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị, Đảng bộ xã đã lãnh đạo hoàn thành 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Hiện nay, Đảng bộ xã Bình Thạnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
* Bài viết có trích lược tài liệu “Cồn Bình Thạnh và Truyền thống đấu tranh cách mạng” của Ban Tuyên giáo huyện Cao Lãnh và Đảng ủy xã Bình Thạnh.
Trải qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế Campuchia, Lào, xã Bình Thạnh hiện có tổng số 1.084 gia đình chính sách, trong đó có 8 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 256 liệt sĩ, 114 thương binh, 704 gia đình có công cách mạng.
Với những thành tích nổi bật, chiến công to lớn trong kháng chiến, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho dân quân và du kích xã Bình Thạnh.
Bình Thạnh là xã đầu tiên của Đồng Tháp được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và là một trong những xã đầu tiên được UBND tỉnh công nhận xã văn hóa và xã nông thôn mới.
|
H.NGHĨA