LẤP VÒ:

Khuyến khích lao động chuyển đổi nghề và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

Cập nhật ngày: 02/11/2020 15:02:43

ĐTO - Thời gian gần đây, huyện Lấp Vò đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ), đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có hiệu quả. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn trong giai đoạn mới, các văn bản của Bộ, ngành Trung ương và các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện góp phần nâng cao nhận thức đến các ngành, các cấp và các tầng lớp Nhân dân về công tác đào tạo nghề, việc làm, thu nhập để ổn định đời sống. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa các hình thức, phương pháp và chuyển dần tuyên truyền từ chiều rộng sang chiều sâu, tuyên truyền hình thức cảm quan sang trực quan gắn với người thật việc thật, với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời xác định đúng đối tượng tuyên truyền vận động để tạo hiệu quả hơn, giúp cho người lao động và gia đình chuyển biến về nhận thức theo hướng tự giác trong tìm kiếm việc làm và học nghề phù hợp.


Lao động nông thôn ở huyện Lấp Vò có thêm nguồn thu nhập từ nghề dệt chiếu truyền thống của địa phương

Huyện Lấp Vò khuyến khích những nghề mà người LĐ có thể chuyển đổi phù hợp với thị trường hiện nay, những nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp như: đan ghế nhựa, sửa chữa máy phun xịt thuốc, sửa kiểng, may công nghiệp, công nhân xây dựng. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp vừa giúp doanh nghiệp đào tạo nhân lực cho đơn vị, vừa giúp giải quyết việc làm ở địa phương. Thúc đẩy kết nối cung - cầu LĐ thông qua việc điều tra thống kê nhu cầu sử dụng LĐ và nhu cầu LĐ; cung cấp thông tin cho các bên tham gia thị trường LĐ và đưa ra những dự báo, định hướng cho các LĐ dự nguồn để xác định hướng đi việc làm phù hợp, nhằm góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu LĐ nông thôn. Năm 2018, huyện đào tạo cho 850 lao động, trong đó nông nghiệp có 55 LĐ và phi nông nghiệp là 795 LĐ; năm 2019 là 906 lao động, trong đó nông nghiệp có 101 LĐ và phi nông nghiệp là 805 LĐ; 6 tháng đầu năm 2020 có 491 LĐ (nông nghiệp 75 LĐ và phi nông nghiệp 416 LĐ). Lấp Vò cũng làm tốt công tác giới thiệu việc làm cho LĐ, cụ thể: năm 2019 là 5.335 LĐ và 6 tháng đầu năm 2020 là 2.577 LĐ; huyện cũng đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cụ thể: năm 2018 là 202 LĐ, năm 2019 là 249 LĐ.

Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Lấp Vò, qua thống kê cho thấy lực lượng LĐ trên địa bàn trong những năm gần đây đã chuyển dịch khá rõ nét, đặc biệt là LĐ trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm mạnh từ trên 52% năm 2015 đã giảm còn 38% vào cuối năm 2019, đây là kết quả tất yếu của tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và tình hình phát triển kinh tế của huyện. Phần lớn LĐ chủ yếu đã chuyển sang công nghiệp và dịch vụ, lực lượng LĐ tập trung làm ở các nơi có tốc độ phát triển cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Mặt khác, LĐ trẻ có trình độ tay nghề cũng được nâng lên khá rõ nét khi tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt gần 68% tính đến cuối năm 2019 giúp cho người LĐ có việc làm ổn định và thu nhập cao hơn so với trước. Các nguồn vốn vay được sử dụng khá hiệu quả, nhiều mô hình mới, cách làm hay được hỗ trợ kịp thời để phát triển. LĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng cao, tính đến tháng 6/2020, toàn huyện Lấp Vò có 815 lao động đã tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và phần lớn lao động này tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Ba Lan.

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lấp Vò, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng LĐ nông nghiệp theo hướng dịch vụ nông nghiệp, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện cũng như tích cực phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc liên quan đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Theo đó, huyện tiếp tục duy trì và phát huy các ngành nghề truyền thống như: dệt chiếu, đan bội, đan ghế nhựa, chổi lông gà, làm thớt... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ làng nghề truyền thống. Đồng thời phát triển thêm các ngành nghề mới để nâng cao hiệu quả trong giải quyết việc làm nhàn rỗi ở địa phương và phục vụ cho phát triển du lịch trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền để tạo chuyển biến nhận thức cho người LĐ để chủ động tham gia tiến trình cơ cấu lại LĐ theo hướng chọn những ngành nghề có xu hướng cho thu nhập cao, ổn định, phát triển trong tương lai. Đặc biệt, giáo dục người LĐ xây dựng, thực hành tác phong công nghiệp trong LĐ, hình thành người LĐ năng động, sáng tạo, kỷ luật phục vụ tốt quá trình công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.

HỒNG NGỰ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn